Home / Kinh tế / Đầu tư / Nhiều dự án nước sạch chậm triển khai do năng lực của nhà đầu tư còn yếu

Nhiều dự án nước sạch chậm triển khai do năng lực của nhà đầu tư còn yếu

Theo Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Lê Văn Dục, việc chậm triển khai các dự án nước sạch là do vướng công tác giải phóng mặt bằng và năng lực của nhà đầu tư còn yếu…

Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Lê Văn Dục phát biểu tại phiên giải trình

Tại Phiên giải trình của HĐNĐ TP.Hà Nội về việc cung cấp nước sạch cho nhân dân trên địa bàn thành phố sáng 6/9, nhiều đại biểu bày tỏ băn khoăn trước tình trạng nhiều dự án cung cấp nước sạch triển khai trên địa bàn các quận, huyện thực hiện chậm. Đại biểu đề nghị đại diện sở, ngành làm rõ bức tranh toàn cảnh về việc cung cấp nước sạch? làm rõ nguyên nhân vì đâu dự án chậm triển khai?

Đại biểu Đoàn Việt Cường nêu câu hỏi tại phiên giải trình

Đại biểu Đoàn Việt Cường (tổ Mê Linh) nêu câu hỏi: Trên địa bàn TP hiện đang triển khai 11 dự án cấp nước tuy nhiên có 6 dự án chậm, thậm chí chưa triển khai. Vậy nguyên nhân, trách nhiệm của Sở Xây dựng và các đơn vị liên quan là gì? Đâu là các giải pháp để khắc phục trong thời gian tới?

Nhiều dự án chậm triển khai tại địa bàn các quận, huyện cũng được các đại biểu đề nghị làm rõ nguyên nhân, tiêu biểu như: Dự án xây dựng trạm cấp nước thị trấn Đại Nghĩa (huyện Mỹ Đức) gần 6 năm vẫn dang dở, chưa đi vào hoạt động, một số hạng mục xuống cấp; dự án nước tại xã Tiến Thịnh, huyện Mê Linh được phê duyệt từ tháng 6/2018 nhưng vẫn khó khăn trong triển khai…

Đại biểu Duy Hoàng Dương (tổ Hoài Đức), cho rằng, thời gian qua rất nhiều dự án được dầu tư triển khai, trong đó có nhiều dự án như Nhà máy Nước mặt Sông Đuống hoàn thành trước 16 tháng. Tuy nhiên vẫn còn những dự án chậm, trong đó có việc chuyển chủ đầu tư dự án. Đề nghị Sở Xây dựng cho biết, con số chính xác về những dự án này.

Giải trình các nội dung được đại biểu đã nêu, Giám đốc Sở Xây dựng Lê Văn Dục cho biết: Phát triển nguồn cấp nước là một trong những nhiệm vụ quan trọng, “xương sống” của thành phố. Trong hơn 1 năm, thành phố đã cho triển khai 11 dự án, hiện hoàn thành với 1.520 m3/ngày đêm với 5 nhà máy, đã tăng hơn 600.000/m3 ngày đêm so với năm 2016; đã đưa nước đến các huyện Thường Tín, Thanh Oai, Hà Đông, Ứng Hòa…

Giám đốc Sở Xây dựng cũng giải thích thêm việc chậm triển khai các dự án là do vướng công tác giải phóng mặt bằng, khả năng của nhà đầu tư. Về các dự án chậm tiến độ, thành phố sẽ sẽ có biện pháp mạnh để đẩy nhanh tiến độ của 11 dự án này. Ví dụ, Sở đã yêu cầu Công ty CP Nước mặt sông Hồng cam kết sẽ đẩy nhanh tiến độ. Từ nay đến hết quý III, nếu công ty này không thực hiện, TP sẽ xem xét để thay thế nhà đầu tư.

Ông Dục cho biết, TP đã đưa ra một số giải pháp cụ thể để đẩy nhanh tiến độ các dự án. Tuy nhiên một số khu vực ở Chương Mỹ, 3 xã ở huyện Sóc Sơn, Thạch Thất có khó khăn do dân cư thưa thớt, địa hình khó… Lãnh đạo Sở Xây dựng cam kết sẽ đôn đốc, đảm bảo tiến độ các dự án nước sạch…

Về Dự án trạm cấp nước cục bộ (Công ty Minh Quân đầu tư) ở thị trấn Đại Nghĩa, ông Dục cho biết hiện dự án đang gặp vướng mắc do Công ty Minh Quân chưa có kinh nghiệm nhưng lại có nguồn đâu tư. Trước mắt, thành phố sẽ đưa công suất 16.000 m3/ngày đêm của nhà máy sông Đuống và 10.000m3/ngày đêm của nước mặt Quan Sơn để đưa nước đến trạm cấp nước Đại Nghĩa.

Chưa bằng lòng với giải trình của Sở Xây dựng, nhiều đại biểu nêu ý kiến cho rằng, các dự án còn vướng do tổ chức khảo sát chưa tính toán hết được nguồn ô nhiễm nước, nên mặc dù đã đầu tư xong nhà máy nhưng không có nguồn cấp nước cho các nhà máy này.

Đại biểu đề nghị có giải pháp tính toán để sử dụng tránh lãng phí với những gì TP đã đầu tư. Ngoài ra, nhiều dự án thực hiện chậm do chậm bàn giao mặt bằng, vậy trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc giao đất cho chủ đầu tư như thế nào?..

Theo Tuổi Trẻ Thủ Đô