Trên các xóm, bản người Mông ở xã Quang Trung (Hòa An) hiện nay vẫn giữ được nét văn hóa đặc sắc trong tục thờ thần linh hay còn gọi là thần bếp, “thần giữ cửa”. Tục cúng “thần giữ cửa” trong gia đình người Mông diễn ra không theo thời gian nhất định, chỉ khi nào gia chủ nhận thấy có sự bất ổn trong việc phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm sẽ tiến hành làm lễ cúng.
Đối với người Mông, thần giữ cửa được coi là vị thần cai quản trong gia đình, “thần giữ cửa” trông coi cuộc sống, tinh thần của con người, trông coi việc phát triển gia súc, gia cầm. Theo quan niệm của người Mông, việc phát triển chăn nuôi có tốt hay không cũng nhờ “thần giữ cửa”, ngược lại gia đình muốn phát triển chăn nuôi tốt cũng do thờ cúng “thần giữ cửa”. Thông thường hằng năm, gia đình phải cúng cho “thần giữ cửa” một con lợn gọi là lợn nướng bếp, vì con lợn sau khi làm xong thủ tục cúng đều mang về nướng trên than hồng rồi mới ăn.
Anh Ngô Văn Thắng, xóm Pàn Kèng, xã Quang Trung (Hòa An) chia sẻ: Phong tục cúng “thần giữ cửa” không biết có từ khi nào, nhưng từ khi còn nhỏ, tôi đã thấy ông bà, cha mẹ thịt lợn để cúng “thần giữ cửa”. Con lợn chọn để cúng phải là lợn cáy, to hay nhỏ tùy thuộc vào điều kiện kinh tế của gia đình. Khi nào chăn nuôi gia súc, gia cầm gặp rủi ro thì chọn ngày lành, tháng tốt và nhờ anh em trong dòng họ đến làm lễ cúng “thần giữ cửa” để việc chăn nuôi tốt hơn. Khi đã chọn được con lợn mang về đến cửa nhà, lấy một đĩa than hồng để ngoài cửa và đặt sáp ong đốt lên trên than, sau đó hơ con lợn qua khói than sáp ong, vừa hơ vừa đọc thần chú “Con lợn này nuôi để cúng cho “thần giữ cửa” cai quản, trông coi việc phát triển đàn gia súc, gia cầm của gia đình”.
Theo các cụ cao niên trong làng, ngày xưa, người Mông sống du canh, du cư nên cuộc sống gặp nhiều khó khăn, nuôi được ít gia súc, gia cầm. Do vậy, mỗi lần làm lễ tế các vị thần linh, từ khâu thịt lợn, cạo lông, làm sạch… đều diễn ra trong nhà và không cho hàng xóm biết. Ngày nay, cũng làm các thủ tục theo nấc bước như vậy để cúng “thần giữ cửa”. Sau khi làm lễ cúng ở ngoài cửa, những người phụ giúp việc cho gia đình mang con lợn đi thịt. Khi con lợn đã làm sạch, những người phụ giúp việc cắt mỗi thứ một ít mang lên bếp luộc chín để làm lễ cúng.
Thông thường, nghi lễ thờ “thần giữ cửa” diễn ra trước cửa buồng của chủ nhà, các món đồ lễ cúng được bày trên ghế hoặc trên giường ngủ. Khi đó, người phụ giúp việc bày các phần thịt cúng, 1 bát canh, 1 bát gạo, 3 chén rượu, 1 quả trứng gà, 1 quả bầu khô và 1 cành cây dẻ. Theo tục lệ, lễ cúng “thần giữ cửa” không cần thầy mo, anh em trong dòng họ ai biết cúng đều có thể tự cúng được. Người biết cúng vừa làm lễ cúng, vừa truyền dạy cho người chưa biết cúng, trên đầu người cúng đội mũ hoặc một chiếc khăn tối màu và đứng quay về hướng mặt trời mọc.
Trong quá trình cúng, một tay cầm cành dẻ, một tay cầm quả bầu khô rồi đọc thần chú nói về cuộc sống gia đình, chăn nuôi, trồng trọt còn nhiều khó khăn nên hôm nay chọn ngày lành, tháng tốt tìm con lợn đem về cúng cho thần canh giữ cửa để cất giữ của cải trong nhà. Thủ tục cúng diễn ra đơn giản, nhanh gọn, cúng lần lượt từ rổ thịt thứ nhất đến rổ thịt thứ 5 là xong.
Mỗi lần đọc thần chú, người phụ giúp việc múc 3 chén nước canh trong bát đưa cho chủ nhà và anh em cùng uống với nhau kèm theo lời chúc phúc “đây là nước lộc, uống xong sẽ được thần phù hộ cả nhà mạnh khỏe, cả năm may mắn, không ốm đau, bệnh tật. Cúng một con sẽ được thần phù hộ nuôi hàng nghìn, hàng vạn con, gia đình quanh năm ăn nên làm ra, mùa màng bội thu, tươi tốt”. Sau khi cúng xong, người giúp việc lấy các phần thịt chia cho tất cả mọi người cùng nướng ăn ngay tại bếp.
Khi thủ tục lễ cúng thực hiện xong, anh em, bạn bè ngồi quây quần ăn cơm, uống với nhau chén rượu mừng cho gia chủ và giáo dục nét văn hóa của dân tộc Mông cho con cháu. Tục cúng “thần giữ cửa” cai quản gia súc, gia cầm thường được tổ chức khi gia đình nào làm xong nhà mới với mong muốn giữ của cải, cai quản không cho những điều xui xẻo, xấu xa, ốm đau, bệnh tật vào nhà. Do vậy, nhiều gia đình người Mông khi nuôi gia súc, gia cầm không lớn hoặc bị ốm chết thì lại tổ chức lễ cúng “thần giữ cửa” cầu thần phù hộ cho gia đình tai qua nạn khỏi, chăn nuôi gia súc, gia cầm luôn luôn phát triển.
Tục cúng “thần giữ cửa” là nét văn hóa mang tính tâm linh, tín ngưỡng đã được người Mông gìn giữ qua nhiều thế hệ.
Theo Hoàng Huy (báo CB)