Home / Tin tức / Bộ VHTTDL đề nghị tạm dừng các hoạt động vui chơi giải trí, du lịch tại các địa phương có ảnh hưởng của bão số 4

Bộ VHTTDL đề nghị tạm dừng các hoạt động vui chơi giải trí, du lịch tại các địa phương có ảnh hưởng của bão số 4

Bộ trưởng Bộ VHTTDL yêu cầu, tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên thông tin kịp thời về bão số 4 và báo cáo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về tình hình ứng phó cơn bão, thiệt hại xảy ra trên lĩnh vực quản lý ngành (nếu có) và báo cáo tổng hợp chung bằng văn bản sau khi cơn bão kết thúc.

Trước những diễn biến phúc tạp của cơn bão số 4 đang đổ bộ vào các vùng ven biển nước ta, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện yêu cầu:

Giám đốc các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Sở Văn hóa, Thể thao; Sở Du lịch: Tổ chức rà soát, kiểm đếm và quản lý chặt chẽ việc ra khơi của tàu thuyền, phương tiện hoạt động du lịch trên biển, hướng dẫn di chuyển về nơi tránh trú an toàn. Căn cứ diễn biến của bão và tình hình cụ thể tại địa phương quyết định thời điểm cấm biển và thông báo cho phép hoạt động trở lại đối với tất cả tàu thuyền, phương tiện phục vụ các hoạt động du lịch trên biển; Hướng dẫn neo đậu và triển khai các phương án bảo đảm an toàn cho tàu thuyền, phương tiện, người dân tại nơi tránh trú và các công trình hạ tầng, nhà cửa phục vụ du lịch trên các đảo và khu vực ven biển.

Đường đi và vị trí của cơn bão

Các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Sở Văn hóa và Thể thao; Sở Du lịch và các đơn vị trực thuộc Bộ kiểm tra, rà soát và có phương án bảo vệ các thiết chế văn hóa, thể thao và du lịch do đơn vị quản lý như: các di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh, khu du lịch và khắc phục hậu quả do bão gây ra. Tạm dừng các hoạt động vui chơi, giải trí và tổ chức các hoạt động du lịch tại các địa phương có ảnh hưởng của bão.

Các đơn vị trực thuộc Bộ theo dõi sát với tình hình cụ thể trên địa bàn về diễn biến của bão, các thông báo của Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Y tế và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để có các biện pháp đảm bảo an toàn tính mạng, phòng chống dịch bệnh cho cán bộ, công chức, viên chức, giáo viên, học sinh, sinh viên và bảo vệ tài sản công do đơn vị quản lý. Căn cứ vào chức năng nhiệm vụ được giao, các đơn vị phối hợp với địa phương để triển khai các phương án đối phó với bão. Đồng thời chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện và vật tư sẵn có để khắc phục hậu quả của bão và hỗ trợ địa phương khi có yêu cầu.

Tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên thông tin kịp thời và báo cáo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về tình hình ứng phó cơn bão, thiệt hại xảy ra trên lĩnh vực quản lý ngành (nếu có) và báo cáo tổng hợp chung bằng văn bản sau khi cơn bão kết thúc.

Theo Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, vào hồi 13h ngày 29/8, vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,6 độ Vĩ Bắc; 109,8 độ Kinh Đông, ngay ở phía Nam đảo Hải Nam, cách đất liền các tỉnh Nghệ An-Quảng Trị khoảng 350km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75-90km/giờ), giật cấp 11. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 trở lên khoảng 120km tính từ tâm bão.

Trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20km, từ sáng sớm đến trưa mai (30/8) đi vào đất liền các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Bình với sức gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 11, sau đó suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Đến 13 giờ ngày 30/8, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 17,9 độ Vĩ Bắc; 105,0 độ Kinh Đông, trên khu vực Trung Lào. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (40-60km/giờ), giật cấp 9.

Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 trở lên): Phía Bắc vĩ tuyến 16,0 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 112,0 độ Kinh Đông

Trong 24 đến 36 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới đi sâu vào đất liền, suy yếu thành một vùng áp thấp./.

Theo Bộ VHTT-DL