Home / Kinh tế / Nông nghiệp / Cổ vũ cho doanh nghiệp nông nghiệp ĐBSCL

Cổ vũ cho doanh nghiệp nông nghiệp ĐBSCL

Thời gian qua, nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã có bước phát triển vượt bậc và đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Các dự báo về thị trường của nhiều tổ chức trong và ngoài nước cho thấy ĐBSCL có cơ hội lớn để mở rộng thị trường cho các sản phẩm mà vùng có lợi thế, đặc biệt là gạo, tôm, cá tra, trái cây. Song, để nắm vững cơ hội này cần cổ vũ và hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp (DN) ngành nông nghiệp, bởi đây là lực lượng quyết định thị trường và sức tiêu thụ sản phẩm.

Sản phẩm chế biến từ cá tra đem về kim ngạch xuất khẩu hơn 1 tỉ USD hằng năm. Ảnh: N.S

DN vẫn tự bơi là chính

Toàn vùng ĐBSCL hiện có khoảng 55.000 DN, trong đó khoảng 7.100 DN lĩnh vực nông lâm thủy sản (1.203 DN trực tiếp sản xuất), chiếm 16,62% số DN sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản cả nước. Giai đoạn 2007-2017, số DN kinh doanh bán buôn nông lâm thủy sản tăng mạnh nhất từ 804 DN lên 2.943 DN, lĩnh vực chế biến nông lâm thủy sản tăng từ 382 DN lên 2.209 DN. Bên cạnh sự tăng lên của DN nhỏ và vừa, một số DN, tập đoàn lớn cũng đẩy mạnh đầu tư vào nông nghiệp ĐBSCL, như: Tập đoàn Minh Phú, Tập đoàn Lộc Trời… Những đơn vị này không chỉ đầu tư bài bản mà còn đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, kinh doanh. Đồng thời tạo hiệu ứng lan tỏa, thu hút nhiều DN đầu tư, đổi mới công nghệ.

Thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), giai đoạn 2016-2018, nông nghiệp ĐBSCL đạt tốc độ tăng trưởng GDP 3%/năm, cao hơn mức tăng bình quân cả nước (2,67%/năm); đóng góp khoảng 34,6% GDP toàn ngành nông nghiệp cả nước và chiếm 33,5% GDP chung vùng ĐBSCL. Mức tăng trưởng này phần đóng góp rất lớn từ DN. Hơn nữa, thị trường trong nước và quốc tế có nhiều thuận lợi cho DN ngành nông nghiệp phát triển.

Theo dự báo đến năm 2020, thị trường tiêu dùng thực phẩm của Việt Nam tăng trưởng cao nhất so với các nước trong khu vực. Ngành chế biến và phân phối sản phẩm nông nghiệp được coi là một trong những ngành có nhiều tiềm năng và dư địa về thị trường để thu hút đầu tư trong, ngoài nước. Đây là cơ hội cho ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL tạo thêm nhiều giá trị gia tăng mới, tạo thêm việc làm và nâng cao thu nhập, đời sống cho người dân. Song để đạt mục tiêu này, cần một cộng đồng DN chung sức trong đầu tư, kết nối với nông dân tạo nên những vùng nguyên liệu rộng lớn và cần lực đẩy từ chính sách, sự vào cuộc của ngành ngân hàng trong cung ứng vốn cho DN.

Ông Vũ Đức Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ NN&PTNT), cho rằng sự phát triển của các DN nông nghiệp có vai trò quan trọng và đóng góp lớn cho sản xuất, xuất khẩu nông sản ĐBSCL. Các DN nông nghiệp tại ĐBSCL đang tạo ra nhiều việc làm hơn so với trung bình cả nước. Nhưng có tới 95% số DN nông lâm thủy sản với quy mô nhỏ và vừa đang là thách thức lớn trong nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển liên kết chuỗi sản xuất nông nghiệp. Các DN vẫn đang loay hoay chưa thể thoát ra được những máy móc có công nghệ lạc hậu 2-3 thế hệ. Nông nghiệp có nhiều lợi thế trong hội nhập quốc tế, nhất là những ưu đãi từ các FTA thế hệ mới, nhưng khó khăn lớn là DN và nông dân còn khó tiếp cận vốn. “Phải khơi thông dòng vốn cho DN và nông dân. Bởi hiện nay xuất khẩu chính ngạch nông sản cũng gặp rất nhiều khó khăn, các tiêu chuẩn của nước nhập khẩu cũng khắt khe hơn, đòi hỏi DN và nông dân phải có nguồn lực đầu tư để sản xuất, để cạnh tranh”.

Mới đây, trong hội nghị kết nối ngân hàng-DN do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức tại TP Cần Thơ, nhiều DN ngành nông nghiệp cho biết, cơ hội tiếp cận vốn cho DN đã được ngân hàng mở hơn, nhiều DN được cấp hạn mức rất cao, có DN được cấp hơn 1.000 tỉ đồng. Song, cũng không ít DN không tiếp cận được vốn, do vướng tài sản thế chấp, phương án kinh doanh khả thi, tài chính minh bạch… Nhiều DN cho biết vẫn tự bơi và chấp nhận rủi ro vay ngoài với lãi suất cao để kinh doanh, còn ngân hàng thì khẳng định thừa vốn.

Đối thoại để cùng gỡ khó

Nói về tiếp cận vốn ngân hàng, lãnh đạo tỉnh An Giang, ví von: “Chỉ cần cái lắc đầu, cái gật đầu của cán bộ tín dụng khi thẩm định hồ sơ cho vay là dấu chấm hết hay sự hồi sinh của DN”. Nhiều DN cũng khẳng định điều này là đúng thực tế, do đầu tư vào nông nghiệp rất rủi ro, cán bộ tín dụng cẩn trọng là đúng, nhưng nếu không xem xét thấu đáo và không thể tin tưởng lẫn nhau thì DN sẽ rất khó khăn. Thực tế, tín dụng ngân hàng đang chiếm 80% vốn đầu tư của nền kinh tế, hầu hết DN đều cần vốn ngân hàng để hoạt động sản xuất kinh doanh.

Ông Lê Văn Nưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, khẳng định: Chúng tôi xem DN là động lực phát triển, vì có DN mới có thêm nguồn thu ngân sách, giải quyết việc làm, tiêu thụ sản phẩm nông sản cho nông dân và đầu tư khoa học công nghệ, đào tạo nguồn lực… Vì vậy, tỉnh rất quan tâm đến việc kết nối với ngân hàng đang hoạt động tại địa phương để hỗ trợ DN. Tỉnh cũng thành lập Ban hỗ trợ DN đặt tại UBND tỉnh, với các thành viên là lãnh đạo UBND tỉnh và các sở, ngành. Ban giải quyết tất cả các khó khăn, vướng mắc của ngân hàng và DN vào sáng thứ Sáu hằng tuần, sau cuộc họp khoảng 30 phút sẽ có thông báo kết luận giải quyết vấn đề. Trong tiếp cận vốn, nếu có vướng mắc, UBND tỉnh và NHNN chi nhánh sẽ tổ chức cho hai bên đối thoại với nhau để làm rõ các vấn đề chưa đồng thuận. Đối thoại cũng để giải quyết câu chuyện ngân hàng nói thừa vốn, trong khi DN không tiếp cận được vốn.

Theo ông Lê Văn Nưng, thời gian qua, hầu hết các địa phương vùng ĐBSCL đều tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư quy mô lớn và nhiều DN đăng ký đầu tư, nhưng nếu không có ngân hàng đứng phía sau cho vay vốn thì những hội nghị xúc tiến này cũng khó thành công. UBND tỉnh không có quyền chỉ đạo ngân hàng cho DN nào vay vốn, mà chỉ đóng vai trò trung gian kết nối. Để hai bên thấu hiểu nhau, ngân hàng cần minh bạch thông tin, cán bộ thẩm định ngân hàng phải có tâm, có tầm và có niềm tin vào DN. Còn DN phải nâng cao năng lực quản trị của mình, thuyết phục DN cho vay vốn. Có như vậy, vốn mới khơi thông, nông nghiệp vùng mới có những bước chuyển mình mạnh mẽ hơn.

Từ thực tế này, lãnh đạo NHNN khẳng định sẽ tăng cường các chương trình kết nối ngân hàng-DN, khơi thông dòng vốn tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn, vì nông nghiệp ĐBSCL đang có những cơ hội chuyển mình rất lớn, thị trường đang rộng mở.

Theo báo Cần Thơ