Home / Văn hóa / Trấn Cao Bằng xưa – tỉnh Cao Bằng nay

Trấn Cao Bằng xưa – tỉnh Cao Bằng nay

Bài 17: Văn hóa – khoa cử nhà Mạc ở Cao Bằng

Đền Vua Lê ở làng Đền, xã Hoàng Tung (Hòa An) từng là cung điện của vua Mạc ở Cao Bằng thế kỷ XVII. Ảnh: Công Hải

Sau khi lên đóng đô ở trung tâm Hòa An (Cao Bằng), nhà Mạc hiện diện như một vương triều chính thống. Để đảm bảo sự tồn tại của mình, nhà Mạc không chỉ có những chính sách để phát triển kinh tế, quân sự nhằm củng cố lực lượng đối phó với triều đình nhà Lê, bên cạnh đó, còn có các chủ trương thúc đẩy các hoạt động văn hóa – xã hội phát triển vượt bậc.

Khi vương triều nhà Mạc trị nhậm tại Cao Bằng, những hoạt động của nhà Mạc đã tạo nên sự giao thoa văn hóa xuôi ngược. Trong việc giáo dục, đào tạo nhân tài, nhà Mạc có truyền thống từ khi mới thay thế nhà Lê, về cơ bản vẫn giữ nguyên mô hình giáo dục khoa cử thời Lê. Tuy chiến tranh, nhưng nhà Mạc vẫn chú ý đào tạo và xây dựng đội ngũ quan lại thông qua khoa cử, với quy định 3 năm tổ chức thi một lần, bắt đầu từ năm 1529.

Khi lên Cao Bằng, nhà Mạc đã xây dựng trường Quốc học tại Bản Thảnh  (hiện nay dấu tích vẫn còn tại làng Bản Thảnh, xã Bế Triều, Hòa An). Trường Quốc học tồn tại khoảng 80 năm, tại ngôi trường này, nhà Mạc đã tổ chức dạy học và thi cử để chọn lấy người hiền tài. Trong những năm tồn tại cùng triều Mạc, nhà trường đã tổ chức nhiều khoa thi.

Trong kỳ thi Hội năm 1607,  người đỗ đầu là một phụ nữ tên là Nguyễn Thị Duệ, quê ở làng Kiệt Đặc, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Đây là nữ Tiến sĩ đầu tiên và duy nhất trong lịch sử khoa cử phong kiến Việt Nam. Nguyễn Thị Duệ theo gia đình lên Cao Băng sinh sống, là người thông minh, hiếu học từ nhỏ. Năm 1607, nhà Mạc tổ chức kỳ thi Hội tại Trường Quốc học Bản Thảnh, Nguyễn Thị Duệ đã giả trai đi thi. Mạc Kính Cung không phạt tội giả trai để thi cử, mà còn rất quý trọng gương hiếu học của vị nữ tiến sĩ Nguyễn Thị Duệ. Mạc Kính Cung mời bà vào cung dạy học cho các phi tần, bà được phong là “Diệu huyền Sao sa” nghĩa là Tĩnh Phi tức Sao Sa, nhân dân địa phương thường gọi là Chúa Sao hoặc Ngọc Toàn hoàng hậu.

Năm 1625, quân nhà Lê tiến đánh Cao Bằng, bắt được Nguyễn Thị Duệ dẫn về kinh đô Thăng Long. Trịnh Tùng rất rất quý trọng bà, giao bà việc dạy học cho hoàng thân trong vương phủ. Bà vừa dạy học, vừa giúp vua Lê, chúa Trịnh phát triển giáo dục, giúp Ban giám khảo trong các kỳ thi tuyển chọn nhân tài. Những bài thi Hội, thi Đình và các bài văn của đình thần đều phải qua tay bà khảo định.

Theo tài liệu địa phương cho biết: Bà Nguyễn Thị Duệ từng đi tu ở chùa Sùng Phúc, huyện Hạ Lang 7 năm, lấy hiệu là Diệu Huyền, tên húy là Du. Trong thời gian đó bà thường dạy đạo lý, nhân nghĩa cho người dân trong vùng. Tri châu Hạ Lang biết tiếng và mến mộ bà nên ra lệnh cấm không cho mọi người ngoài vùng “Lệnh Cấm”, không được lai vãng đến chùa vì sợ quan quân nhà Lê biết mà truy bắt. Vì lý do trên mới có tên xã Lệnh Cấm. Bản Huyền Du cạnh thị trấn Thanh Nhật, Hạ Lang là ghép từ tên hiệu và tên húy của bà.

Còn người dân Cao Bằng vốn hiếu học, cũng đã có nhiều người theo học tại trường Quốc học Bản Thảnh và đỗ đạt. Tiêu biểu hơn cả là hai ông Bế Văn Phụng và Nông Văn Noọng (tức Nông Quỳnh Văn).

Bế Văn Phụng, dân tộc Tày, người làng Bản Vạn, châu Thạch Lâm (nay là xã Bế Triều, huyện Hòa An) sống cùng thời với vua Mạc Kính Cung, tương truyền ông đỗ Tiến sĩ (khoa thi năm 1598) thời nhà Mạc ở Cao Bằng. Ông nổi tiếng học rộng, thông thiên văn, tường địa lý, giỏi thơ văn, biết nhạc và đã soạn ra nhiều điệu múa, dạy cho nhiều nam thanh, nữ tú đi biểu diễn các kỳ lễ hội ở địa phương, được vua nhà Mạc mời vào cung và được vua phong chức Tư thiên quản nhạc. Ông càng có điều kiện sáng tạo, nâng cao giá trị nghệ thuật các tác phẩm, các làn điệu hát then trở thành sinh hoạt văn hóa cung đình. Tác phẩm tiêu biểu nhất của ông là tập Tam nguyên luận viết bằng chữ Nôm.

Nông Văn Noọng tức Nông Quỳnh Văn, người xã Nga Ổ, châu Thượng Lang (nay thuộc xã Chí Viễn, huyện Trùng Khánh). Theo một số tài liệu thì ông cũng thi đỗ Tiến sĩ (khoa thi năm 1595) nhưng không ra làm quan. Ông là người giỏi thơ văn, có thể xuất khẩu thành thơ; nhờ tài thơ phú và đặc biệt với áng lượn phủ “Hồng nhan tứ quý”, ông được vua nhà Mạc mời vào triều bổ nhiệm giữ chức Thượng thư bộ lễ. Ông phát triển loại then, giàng và được người đương thời gọi là “vua ca đáng”, nghĩa là giỏi thơ văn và hát hay; nhân dân tôn ông là bậc “trạng”. Nông Văn Noọng lúc đầu chưa làm quan với nhà Mạc, thường làm thơ ngạo đời, ngao sơn du thuỷ. Ông lập một đội giàng đến ra mắt vua Mạc Kính Cung được nhà vua khen ngợi. Chính vì vậy, nhân dân tôn Nông Văn Noọng là tổ sư giàng (gồm toàn nam) hát với cây đàn tính hai dây đệm, khác với cây đàn ba dây của nữ ở vùng miền Tây.

Nông Văn Noọng biết tiếng Tư thiên quản nhạc Bế Văn Phụng, hai người thường gặp nhau đối đáp, khâm phục tài văn của nhau, kết nghĩa đồng canh. Hai ông còn cộng tác xây dựng và phát triển nội dung hát then có tới 10 chuyên đề như then bách điểu ca ngợi trăm loài chim, then hội én dành cho nam nữ giao duyên tìm hiểu, then cấp sắc có một bộ hơn 30 bài dùng cho khoả quan rất hấp dẫn…

Như vậy, có thể thấy, thời kỳ nhà Mạc là thời kỳ phát triển rực rỡ của văn hoá Cao Bằng với sự phát triển hai dòng then: then nữ múa hát với cây đàn tính ba dây ở miền Tây mà trung tâm là châu Thạch Lâm (nay là Hòa An) và then giàng (toàn nam, hát với cây đàn tính hai dây) ở miền Đông, vẫn được lưu truyền và phát triển tới ngày nay. Có thể khẳng định rằng: nền tảng văn hoá hát then – đàn tính Cao Bằng đến thời nhà Mạc càng phát triển mạnh. Ngoài ra, nhà Mạc cũng truyền bá lên Cao Bằng nhiều nghi lễ mang ảnh hưởng văn hoá người Kinh đậm nét như các nghi lễ tang ma, tế lễ. Đó là những thành tựu – giá trị văn hoá to lớn mà trong 85 năm nhà Mạc đóng đô ở Cao Bằng đã ghi đậm nét dấu ấn của một vương triều phong kiến, tại một vùng đất biên viễn xa xôi.

Nguồn: baocaobang.vn