Home / Giáo dục / Rớt trường công, hàng nghìn học sinh chọn học trường nghề

Rớt trường công, hàng nghìn học sinh chọn học trường nghề

Kết quả kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 của TP. Huế năm học 2022 – 2023 vừa qua khiến rất nhiều học sinh và phụ huynh “sốc” vì hỏng cả 2 nguyện vọng để vào học trường công lập. Đây là con số đã được dự báo trước, nhằm phân luồng khoảng 30% trong số hơn 7.600 học sinh dự tuyển vào lớp 10 vào học các trường nghề. Nhiều người đang chới với vì phải “tìm đường” học cho con em mình. Số ít “chạy” về học trường huyện, nhưng đa phần sẽ chọn vào trường nghề…

Lượng thí sinh dự thi vào lớp 10 năm nay tăng cao, nên tỷ lệ phân luồng vào các trường nghề cũng sẽ tăng.

Năm “hot” của trường nghề

Sau một tuần từ khi có kết quả thi tuyển vào các trường THPT công lập trên địa bàn TP. Huế và Sở Giáo dục và Đào tạo trả hồ sơ, học bạ cho học sinh, Trường cao đẳng Công nghiệp Huế (HueIC) đã tiếp nhận hơn 450 hồ sơ đăng ký nhập học hệ 9+  của các em vừa tốt nghiệp THCS năm học 2021-2022.

Phó Hiệu trưởng HueIC – ThS. Trần Hữu Châu Giang cho biết, năm nay, nhà trường nhận hồ sơ của học sinh tốt nghiệp THCS đăng ký nhập học khá sớm và tập trung khá đông chỉ trong một tuần đầu khi nhà trường mở tiếp nhận hồ sơ. Dự kiến, từ nay đến ngày 20/7 khi nhà trường khóa sổ nhận hồ sơ sẽ tiếp nhận thêm khoảng 150 hồ sơ. Như vậy, tổng số hồ sơ nhận đào tạo hệ 9+ năm 2022 này sẽ khoảng 600 em, tương đương chỉ tiêu đào tạo của các năm trước.

Một buổi giáo dục hướng nghiệp cho các em học sinh bậc THCS và THPT trên địa bàn tại HueIC.

Sinh năm “heo vàng”, Nguyễn Thị Q. A. cũng là một trong số những học sinh rớt cả 2 nguyện vọng vào trường THPT công lập trong kỳ thi tuyển sinh vào ngày 9/6/2022 vừa qua. Để tiếp tục theo đuổi con chữ và được học ngành nghề yêu thích, sớm ra trường có việc làm, thu nhập, Q.A đã quyết định nộp hồ sơ đăng ký vào học tại HueIC.

Qua nắm tình hình, khả năng năm nay, nhu cầu nộp hồ sơ học hệ 9+ vào các trường nghề sẽ tăng cao. Tuy nhiên, theo quan điểm của ông Trần Hữu Châu Giang, để vừa đảm bảo chất lượng dạy học và phục vụ yêu cầu của xã hội, nhà trường sẽ cân nhắc và sẽ chỉ nhận hồ sơ tăng thêm khoảng 10% so với chỉ tiêu tuyển sinh đề ra. Tức là, khả năng khóa học năm nay, nhà trường sẽ nhận đào tạo khoảng 650 – 660 em.

Mới đi vào hoạt động 2 năm, mùa tuyển sinh năm nay, Trường phổ thông cao đẳng FPT Polytechnic Huế (Cao đẳng FPT Huế) cũng đang là địa chỉ được nhiều học sinh tốt nghiệp THCS năm 2022 chọn nộp hồ sơ đăng ký nhập học. Năm nay, nhà trường nhận chỉ tiêu khoảng 150 em, đào tạo các chuyên ngành: công nghệ thông tin, quản trị kinh doanh, công nghệ kỹ thuật điều khiển và tự động hóa; các ngành chăm sóc sức khỏe, làm đẹp…

Học phí hệ phổ thông cao đẳng của Trường cao đẳng FPT Huế bình quân mỗi tháng 2 triệu đồng. Bên cạnh không ít phụ huynh còn đắn đo vì mức học phí cao so với điều kiện khả năng đài thọ cho con, thì một số khác tính toán, so sánh mức học phí này tương đương với chi phí đi học thêm một số môn văn hóa phổ thông ở ngoài, trong khi con cái họ sẽ học được môi trường có cơ sở vật chất trang thiết bị hiện đại và thêm những lợi ích khác, như được học theo phương pháp học qua dự án, đội ngũ giảng viên trình độ chuyên môn cao, rộng mở cơ hội học và làm trong môi trường quốc tế…

Tạo đà phân luồng sang trường nghề

Phân luồng học sinh sau THCS vào học giáo dục nghề nghiệp là chính sách đang được tỉnh đẩy mạnh nhằm đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề, chất lượng cao. Qua tìm hiểu từ nhiều phụ huynh có con em không thể vào học trường THPT công lập trong năm học này, nhiều người đã có suy nghĩ thoáng hơn khi cho con vào học trường nghề. Nhất là khi hiện nhiều trường nghề triển khai mô hình đào tạo 9+, hệ vừa học chương trình giáo dục nghề nghiệp do nhà trường xây dựng, vừa học chương trình giáo dục THPT do Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên TP. Huế (liên kết với nhà trường) đảm nhiệm. Nhằm đổi mới, nâng cao chất lượng dạy và học, một số trường còn thiết kế học phần stem trong chương trình đào tạo nhằm phát huy tính sáng tạo, phù hợp với định hướng nghề nghiệp và tâm lý lứa tuổi của học sinh.

Mô hình đào tạo 9+ của các trường nghề trên địa bàn tỉnh giúp cho học sinh vừa học vừa được đào tạo được ít nhất 1 nghề cơ bản, giúp các em định hướng và theo đuổi một ngành nghề đúng sở trường, khả năng của bản thân. Mô hình này còn giúp rút ngắn thời gian từ khi học đến khi có thể đi làm từ 7-8 năm xuống còn 4-5 năm và giúp người học kiếm được thu nhập ngay, sau đó vẫn có thể liên thông đại học hay học tập suốt đời vẫn thuận lợi.

Đáp ứng nhu cầu xã hội, một số trường nghề trên địa bàn xây dựng chương trình đào tạo linh hoạt, phù hợp với học sinh, sinh viên có nhu cầu tham gia thị trường lao động quốc tế; tập trung đào tạo các kỹ năng nghề mà các thị trường quốc tế cần với sự phối hợp của các doanh nghiệp trong và ngoài nước; triển khai các chương trình thực tập có thu nhập tại trong và ngoài nước nhằm hạn chế đào tạo lại sau khi tốt nghiệp. Thời lượng thực hành, đi thực tế tại các doanh nghiệp chiếm hơn 70% chương trình đào tạo.

Thực tế, nhiều năm qua, công tác hướng nghiệp và phân luồng học sinh tốt nghiệp THCS trên địa bàn tỉnh vẫn chưa thành công. Chỉ tiêu hằng năm là phải đảm bảo tỷ lệ 30% học sinh tốt nghiệp THCS vào học các trường nghề đều chưa đạt. Tuy nhiên, trước tình hình năm nay có khoảng 2.600 học sinh không đỗ vào các trường THPT công lập, thì lẽ đương nhiên buộc số học sinh này phải chọn vào học các trường nghề có đào tạo THPT hoặc một số trường phổ thông chuyên mới mở. Đây cũng là chuyển biến tích cực để cha mẹ học sinh, học sinh và xã hội từng bước thay đổi nhận thức trong việc chọn nghề, học nghề sau THCS, đảm bảo thực hiện tốt Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 – 2025” toàn quốc và Kế hoạch hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 – 2025 của tỉnh.

Nguồn: baokhanhhoa.vn