Anh Nguyễn Văn Vui ở xã Nam Thái, huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang, là một trong những người “ăn nên làm ra” nhờ nuôi sò huyết ven bãi bồi, với mức lời hàng tỉ đồng mỗi vụ.
Thu hoạch sò huyết ở xã Nam Thái, huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang
Đến vùng Miệt thứ An Biên, hỏi anh Nguyễn Văn Vui nuôi sò huyết, ai cũng biết. Anh nổi tiếng với quyết tâm làm giàu trên chính quê hương và trở thành tỉ phú nhờ nuôi sò huyết. Anh Vui cho biết, 15 năm trước anh khởi nghiệp từ nghề nuôi hến nhưng không hiệu quả nên chuyển sang nuôi sò huyết với diện tích ban đầu 20-30ha. Do chưa có kinh nghiệm, những năm đầu anh thả con giống dày nên không hiệu quả. Sau khi tích lũy được kinh nghiệm, các vụ sau anh thả giống với mật độ thích hợp nên vụ nào cũng thắng lớn. Từ đó, anh mở rộng diện tích nuôi lên 300ha trên bãi bồi như hiện tại.
Theo anh Vui, nếu chịu khó học hỏi thì sò huyết dễ nuôi, rủi ro thấp, đầu ra ổn định, có thể giúp bà con nông dân làm giàu sau vài vụ thành công. “Thả thưa và thường xuyên sục bùn để tạo thức ăn tự nhiên cho sò là kinh nghiệm đầu tiên cần nhớ của nghề này. Ngoài ra, khoảng tháng 7 âm lịch thời tiết mưa nhiều, người dân bơm nước ra từ cánh đồng để xả lũ, dễ làm sò bị sốc chết. Do đó người nuôi cần tính toán làm sao thả và thu hoạch trước hoặc sau vụ lúa, hay còn gọi là thu hoạch né vụ lúa” – anh Vui nói.
Hiện với diện tích 300ha, anh Vui dự kiến sản lượng đạt 50 tấn. Sò huyết nuôi của gia đình anh Vui cũng đã đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao nên giá thu mua sò huyết loại 1 năm tuổi khoảng 80 con/kg có giá 100.000 đồng/kg; loại 2 năm tuổi khoảng 60 con/kg có giá 200.000 đồng/kg. Với mức giá đó, anh Vui ước tính vụ này thu về khoảng 7 tỉ đồng, sau khi trừ chi phí còn lời khoảng 5 tỉ đồng.
Ðể phục vụ sản xuất kinh doanh, anh Vui còn thuê 10 lao động địa phương với mức thu nhập 6-9 triệu đồng/người/tháng, trong đó 7 người ăn ở trực tiếp tại khu nuôi trồng. Ngoài ra, anh còn thu mua lại sò huyết của các hộ nuôi xung quanh trung bình 100-150 tấn/năm để xuất sang Campuchia và giao các chợ đầu mối.
Ông Huỳnh Văn Thanh, Phó Chủ tịch UBND xã Nam Thái, cho biết: Mô hình nuôi sò huyết trên bãi bồi ven biển của người dân huyện An Biên không chỉ đạt hiệu quả kinh tế mà còn tạo việc làm cho người dân địa phương. Trung bình, 1 hộ nuôi giúp 7-10 lao động thường xuyên có việc làm, thu nhập ổn định 7-9 triệu đồng/tháng. “Nếu trước đây, tại địa phương, cầu, đường đi lại khó khăn, nhà cửa xiêu vẹo thì từ khi phát triển kinh tế biển, nhất là tập trung vào thả nuôi sò huyết, đời sống người dân khấm khá hơn. Bà con xây được nhà khang trang, đóng góp tiền làm cầu, đường, mở hướng giao thương mua bán, giúp con em đến trường thuận tiện” – ông Thanh nói.
Theo phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện An Biên, nghề nuôi sò huyết góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế – xã hội của huyện trong vài năm gần đây. Do đó, An Biên đã khảo sát khu vực ven biển, đánh giá cụ thể thực trạng đất đai, rừng và bãi bồi… đề xuất các nhóm giải pháp phát triển ổn định nghề nuôi sò huyết thương phẩm theo hướng bền vững. Trong đó, đề ra các nhóm giải pháp về quy hoạch vùng nuôi, khoa học công nghệ và khuyến ngư, dịch vụ hậu cần, chính sách vốn, thị trường. Ðồng thời sắp xếp lại các vị trí hộ nuôi, tổ chức hướng dẫn hộ nuôi đăng ký thủ tục nuôi theo quy định về cho thuê mặt nước bãi bồi ven biển để nuôi trồng thủy sản; xây dựng các mô hình nuôi sò huyết bền vững, ứng dụng khoa học kỹ thuật để người dân nhân rộng mô hình theo hướng nâng cao chất lượng đạt chuẩn OCOP của sò huyết địa phương…