Home / Bất động sản / Đề xuất giải pháp phát triển thành phố thông minh

Đề xuất giải pháp phát triển thành phố thông minh

Tại Hội thảo “Những giải pháp kỹ thuật hỗ trợ phát triển thành phố thông minh” được tổ chức tại TP Cần Thơ mới đây, các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà quản lý đã đề xuất các giải pháp thiết thực hỗ trợ phát triển thành phố thông minh cho TP Cần Thơ và vùng ĐBSCL, đặc biệt là các giải pháp xây dựng chính quyền số; giải pháp xây dựng mô hình giao thông thông minh; triển vọng của sản xuất thông minh cho thành phố thông minh.

Xu hướng tất yếu

Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018-2025 và định hướng đến năm 2030 (tại Quyết định 950/QĐ-TTg ngày 1-8-2018). Đề án này với mục tiêu phát triển đô thị thông minh (ĐTTM) bền vững ở Việt Nam hướng tới tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, khai thác, phát huy các tiềm năng và lợi thế, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực; khai thác tối ưu hiệu quả tài nguyên, con người, nâng cao chất lượng cuộc sống, đồng thời đảm bảo tạo điều kiện đối với các tổ chức, cá nhân, người dân tham gia hiệu quả nghiên cứu, đầu tư xây dựng, quản lý phát triển ĐTTM; hạn chế các rủi ro và nguy cơ tiềm năng; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và các dịch vụ đô thị; nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, hội nhập quốc tế.

TP Cần Thơ đang hướng đến thành phố sinh thái, thông minh, văn minh, hiện đại mang đậm bản sắc văn hóa sông nước vùng ĐBSCL.

Đề án đặt mục tiêu đến năm 2025: thực hiện giai đoạn 1 thí điểm phát triển ĐTTM; xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý trên cơ sở sơ kết, tổng kết việc thực hiện thí điểm; triển khai áp dụng khung tham chiếu ICT (Công nghệ thông tin và truyền thông) phát triển ĐTTM tại Việt Nam. Công bố các tiêu chuẩn quốc gia ưu tiên phục vụ cho việc triển khai xây dựng thí điểm các ĐTTM. Phát triển hạ tầng dữ liệu không gian đô thị, hợp nhất các dữ liệu đất đai, xây dựng và các dữ liệu khác trên nền GIS (Hệ thống thông tin địa lý) tại các đô thị thí điểm giai đoạn 1; thí điểm áp dụng hệ thống hỗ trợ ra quyết định trong quy hoạch đô thị và hệ thống tra cứu thông tin quy hoạch đô thị tại tối thiểu 3 đô thị từ loại II trở lên; hỗ trợ ít nhất 6 đô thị/6 vùng kinh tế phê duyệt Đề án tổng thể về phát triển ĐTTM và tổ chức triển khai thực hiện các tiện ích ĐTTM phục vụ cư dân đô thị; hình thành thí điểm trung tâm kết nối công dân kết hợp bộ phận 1 cửa; thí điểm áp dụng cơ chế cấp chứng nhận khu đô thị mới thông minh…

Định hướng đến năm 2030: hoàn thành thí điểm giai đoạn 1, từng bước triển khai nhân rộng theo lĩnh vực, khu vực, hình thành mạng lưới liên kết các ĐTTM, có khả năng lan tỏa; tổng kết các cơ chế, chính sách thí điểm, tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách và triển khai áp dụng trên diện rộng. Hình thành các chuỗi ĐTTM khu vực phía Bắc, miền Trung, phía Nam và vùng ĐBSCL; lấy TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, TP Đà Nẵng, TP Cần Thơ làm hạt nhân, hình thành mạng lưới liên kết các ĐTTM.

Tại Hội thảo “Những giải pháp kỹ thuật hỗ trợ phát triển thành phố thông minh”, bà Lê Thụy Ngọc Lan, Phó Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị TP Cần Thơ, cho biết: Cần Thơ đóng vai trò là trung tâm thương mại, dịch vụ, đào tạo nguồn nhân lực khoa học và công nghệ, trung tâm y tế của vùng; đồng thời là đầu mối giao thương kinh tế quan trọng kết nối vùng ĐBSCL với cả nước cũng như quốc tế… Hội thảo với mong muốn thành phố cần phải có những nỗ lực và bứt phá mạnh mẽ để đáp ứng yêu cầu trong kỷ nguyên công nghệ số, xứng tầm với vai trò trung tâm dẫn dắt của vùng ĐBSCL. Hội thảo còn đánh dấu các hoạt động hợp tác giữa Liên hiệp các tổ chức hữu nghị thành phố, Hội hữu nghị Việt – Đức thành phố cùng Viện Friedrich Naumann Foundation (FNF/Đức) và Trường Đại học Cần Thơ với mục tiêu tạo nền tảng cho sự hiểu biết lẫn nhau, thúc đẩy các hoạt động trao đổi và xúc tiến đầu tư tại thành phố trong thời gian tới.

Phát triển ĐTTM gắn với chuyển đổi số

Thời gian tới, TP Cần Thơ định hướng phát triển ĐTTM trong tổng thể xây dựng chuyển đổi số, cải cách hành chính. Xây dựng ĐTTM gắn kết chặt chẽ với chuyển đổi số, cải cách hành chính; thúc đẩy chuyển đổi số đảm bảo 3 trụ cột: chính quyền số, kinh tế số, xã hội số; hiện đại hóa hành chính; xây dựng Trung tâm điều hành ĐTTM; hoàn thiện hạ tầng ĐTTM, dịch vụ ĐTTM.

Theo ông Lê Quang Tuyến, Giám đốc Trung tâm Điều hành ĐTTM TP Cần Thơ, sau thời gian triển khai thực hiện xây dựng TP Cần Thơ phát triển thành ĐTTM đã đạt được một số kết quả cụ thể trên các lĩnh vực về hạ tầng ICT, nền tảng dữ liệu cho ĐTTM; chính quyền số trong ĐTTM; quy hoạch ĐTTM; lĩnh vực giao thông thông minh; lĩnh vực tài nguyên môi trường; lĩnh vực nông nghiệp thông minh; an ninh, an toàn trong ĐTTM; lĩnh vực du lịch thông minh; lĩnh vực giáo dục thông minh… Nhất là về hạ tầng ICT dùng chung cơ bản được hoàn thiện, các nền tảng phát triển chính quyền số đã được triển khai, trong đó trọng tâm là xây dựng nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu dùng chung; tích hợp các cơ sở dữ liệu dùng chung như người dân, doanh nghiệp, cán bộ công chức viên chức, thủ tục hành chính, danh mục dùng chung, hồ sơ điện tử…; triển khai các cơ sở dữ liệu dùng chung của các ngành, lĩnh vực.

Chính quyền số trong ĐTTM đã cơ bản hoàn thiện các hệ thống dùng chung như hệ thống quản lý văn bản, điều hành được triển khai đến 100% các cơ quan, đơn vị kể cả phiên bản di động tích hợp ký số; hệ thống đã triển khai kết nối, liên thông trục liên thông văn bản của thành phố với trục liên thông văn bản quốc gia bảo đảm việc gửi, nhận văn bản điện tử liên thông bốn cấp (từ Trung ương đến cấp xã)…

Thành phố đã ra mắt Trung tâm Điều hành ĐTTM (IOC) từ tháng 4-2021, triển khai 8 lĩnh vực thí điểm: giám sát, điều hành chỉ tiêu báo cáo, thống kê kinh tế – xã hội; giám sát hiệu quả hoạt động của chính quyền; giám sát an ninh trật tự và an toàn giao thông; giám sát điều hành du lịch; giám sát tương tác phục vụ, phản hồi của người dân (Tổng đài 1022); giám sát thông tin trên môi trường mạng; giám sát và cảnh báo chất lượng môi trường; giám sát an toàn thông tin mạng (SOC)…

PGS.TS Nguyễn Chí Ngôn, Phó Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Cần Thơ, Chủ tịch Hội hữu nghị Việt – Đức TP Cần Thơ, cho rằng: Đề án chuyển đổi số quốc gia đang vận hành, dựa trên 3 trụ cột cơ bản là chính phủ số, xã hội số và kinh tế số. Trong đó, mục tiêu Chính phủ kỳ vọng là có nền kinh tế số chiếm 20% GDP. Các tỉnh, thành ĐBSCL cũng như cả nước đang nỗ lực triển khai đề án chuyển đổi số. Chẳng hạn TP Cần Thơ đã có Đề án phát triển thành phố đến năm 2030 phải trở thành một ĐTTM dựa trên 3 trụ cột: chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Để có thể có được một thành phố thông minh phải dựa căn bản trên nền tảng của giáo dục thông minh, y tế thông minh, cấp điện thông minh, cấp nước thông minh, hạ tầng thông minh… Xây dựng ĐTTM cũng đòi hỏi tất cả các cấp, các ngành phải vào cuộc, nhất là chính quyền địa phương và các nhà khoa học.

Theo ThS Lê Đức Toàn, Công ty CP Cấp thoát nước Cần Thơ, công ty đã xây dựng hệ thống GIS phục vụ công tác quản lý mạng lưới đường ống cấp nước và đóng mở van ngoài thực địa (quản lý mạng lưới cấp nước đô thị). Những năm qua Công ty chú trọng nhiều hơn công tác quản lý và cải tạo mạng lưới cấp nước với mục tiêu giảm thất thoát nước từ 30% xuống dưới 15%. Nhiều công trình mới đã được thay thế dần và đưa vào sử dụng, bước đầu đạt được những kết quả khả quan. Xây dựng hệ thống WebGIS về quản lý mạng lưới đường ống và van cho phép người dùng truy cập thông tin ngoài thực địa bằng điện thoại di động, máy tính bảng, laptop; nhanh chóng nắm bắt thông tin vận hành van và mạng lưới đường ống; phục vụ công tác cô lập, khoanh vùng mạng lưới, khắc phục sự cố bể ống; việc quản lý mạng lưới cấp nước ngoài thực địa dễ dàng hơn.

Nguồn: baocantho.com.vn