Home / Du lịch / Tận dụng lợi thế phát triển du lịch nông nghiệp Đất Tổ

Tận dụng lợi thế phát triển du lịch nông nghiệp Đất Tổ

Từ đầu năm đến nay ngành du lịch Phú Thọ đã có sự chuyển biến tích cực sau những ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Đặc biệt, bên cạnh các loại hình du lịch truyền thống, hình thức du lịch nông nghiệp, trải nghiệm mặc dù còn khá mới mẻ nhưng thu hút sự quan tâm của đông đảo du khách, hứa hẹn là hướng đi mới cho du lịch Đất Tổ.

Đồi chè Long Cốc, huyện Tân Sơn là địa điểm du lịch nông nghiệp được đông đảo du khách trong và ngoài nước biết đến.

Theo thông tin từ Trung tâm thông tin xúc tiến du lịch tỉnh, trong năm tháng đầu năm 2022, hoạt động du lịch đã phục hồi trở lại trong đó tập trung vào loại hình du lịch tâm linh, du lịch trải nghiệm cộng đồng và du lịch nông nghiệp. Trong đó, chỉ tính riêng trong dịp Giỗ Tổ Hùng Vương – Lễ hội Đền Hùng, Phú Thọ đón khoảng một triệu lượt khách về dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Khu Di tích lịch sử Đền Hùng. Bên cạnh đó, các địa điểm du lịch trải nghiệm Hát Xoan làng cổ tại đình An Thái, đình Hùng Lô; du lịch sinh thái cộng đồng như thăm đồi chè Long Cốc, Vườn Quốc gia Xuân Sơn đều duy trì lượng khách ổn định… Lượng khách lưu trú lại Phú Thọ cũng tăng cao, trong đó, có những thời điểm lượng khách sử dụng buồng phòng ở các khách sạn trung tâm thành phố đạt gần 100%…Đối với lĩnh vực du lịch nông nghiệp, mặc dù ở giai đoạn đầu mới hình thành nhưng với những tiềm năng và lợi thế sẵn có, loại hình này hứa hẹn sẽ thu hút sự quan tâm của các du khách quốc tế khi đến tỉnh.

 

Du khách thăm quan dây chuyền sản xuất mỳ gạo của HTX Mỳ gạo Hùng Lô, xã Hùng Lô, thành phố Việt Trì.

Ông Nguyễn Đức Hòa – Giám đốc Trung tâm thông tin xúc tiến du lịch tỉnh cho biết: Hiện nay, Trung tâm đang triển khai các tour đưa khách du lịch, đặc biệt là các du khách quốc tế đến thăm quan, trải nghiệm tại các làng nghề nông nghiệp có tiềm năng như: Làng nghề làm bánh chưng, bánh giầy, bún miến ở Hùng Lô; làng nghề rau an toàn Tân Đức, Tứ Xã (thành phố Việt Trì); làng nghề nón lá Gia Thanh (huyện Phù Ninh); làng nghề tương làng Bợ (huyện Thanh Thủy) kết hợp thăm làng nghề nuôi cá lồng trên sông Đà và các mô hình sản xuất nông nghiệp độc đáo khác của huyện. Ngoài ra, tổ chức cho du khách tham quan, trải nghiệm vườn bưởi Đoan Hùng, tham quan chu trình sản xuất các sản phẩm từ cây bưởi như: Làm tinh dầu bưởi, mứt bưởi…Bên cạnh các hoạt động thăm quan, trải nghiệm, ngành du lịch cũng đang tích cực tuyên truyền, quảng bá các sản phẩm OCOP của tỉnh, xây dựng sản phẩm tour du lịch “Về miền Đất Tổ” mang những nét đặc trưng của du lịch Đất Tổ. Trong đó, tập trung giới thiệu với du khách các những loại hình du lịch nông nghiệp gắn với làng nghề và các hoạt động trải nghiệm tại càng làng nghề… Đồng thời quảng bá, giới thiệu, đưa các sản phẩm OCOP trở thành sản phẩm lưu niệm, quà tặng cho du khách khi đến với Phú Thọ, từ đó nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm. Một số sản phẩm OCOP tiêu biểu của tỉnh được đông đảo khách hàng yêu thích như: Trà Phú Thọ, bánh chưng – bánh giầy Đất Tổ, bưởi Đoan Hùng, mì gạo Hùng Lô, mì rau củ, thịt chua Thanh Sơn, tương hoa lúa, cá thính Phù Ninh, các sản phẩm từ tinh dầu quế Yên Lập… Các sản phẩm này không chỉ được bán tại cơ sở sản xuất mà còn được bán ở Siêu thị du lịch OCOP Phú Thọ và nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước.

Có thể thấy, sau những ảnh hưởng của dịch COVID-19, ngành Du lịch Đất Tổ đã có sự phục hồi rõ rệt. Năm 2022, Phú Thọ bắt đầu tiếp đón sự quay trở lại của các đoàn khách quốc tế, chủ yếu là các đoàn đi tham quan, trải nghiệm loại hình du lịch nông nghiệp. Vì vậy, để tiếp tục mời gọi và giữ chân du khách khi đến với tỉnh, ngành du lịch đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả như: Tập trung cải tạo, nâng cấp chất lượng các dịch vụ du lịch, thực hiện đào tạo mới, đào tạo lại, cung cấp đầy đủ các nhu cầu về nguồn nhân lực du lịch. Chú trọng phát triển các dịch vụ du lịch mới và tăng cường hoạt động khuyến mại, giảm giá nhằm thu hút sự phát triển trở lại của du lịch Phú Thọ, cạnh tranh với các địa phương khác trong cả nước. Tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch thông qua các hội nghị kích cầu du lịch và các sự kiện lớn của tỉnh, của đất nước.

Học sinh trải nghiệm làm mỳ gạo

Tuy nhiên, đối với phát triển du lịch nông nghiệp, do vẫn còn khá mới mẻ, người làm nông nghiệp chưa hiểu về các nhu cầu, dịch vụ du lịch nên cần có phương pháp tuyên truyền, hướng dẫn người nông dân hiểu về việc lồng ghép giữa nông nghiệp và du lịch, từng bước hoàn thiện các sản phẩm du lịch đáp ứng những yêu cầu của du khách. Ngoài ra, cần có sự vào cuộc của các cấp, các ngành đặc biệt là sự đồng hành của các doanh nghiệp, công ty du lịch và sự chủ động của người dân để phát triển du lịch nông nghiệp, đem đến làn gió mới cùng những triển vọng về phát triển kinh tế – xã hội ở các địa phương.

Nguồn: baophutho.vn