Home / Doanh nhân / Vai trò cộng đồng doanh nhân, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài với sự phát triển TPHCM

Vai trò cộng đồng doanh nhân, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài với sự phát triển TPHCM

Dự kiến “Không gian Văn hóa Hồ Chí Minh – Điểm hẹn kiều bào” sẽ được khánh thành nhân kỷ niệm 43 năm thành lập đơn vị vào ngày 08/06/2024.

Ngày 08/05/2024; tại TP.HCM, Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TP.HCM đã tổ chức tọa đàm quốc tế “Vai trò cộng đồng doanh nhân, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài với sự phát triển TP.HCM theo Nghị quyết số 98/2023/QH15, Chỉ thị số 27-CT-TU, Nghị quyết số 18/NQ-HĐND” –  nhằm trao đổi về giải pháp nâng cao hiệu quả huy động nguồn lực cộng đồng doanh nhân, trí thức kiều bào cho sự phát triển của TP.HCM.

Tham dự toạ đàm trực tuyến là Lãnh đạo Thành ủy TP.HCM, UBND TP.HCM, Lãnh đạo Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài – Bộ Ngoại giao, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM, Sở Khoa học và Công nghệ…Cùng với, Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, Hội đoàn Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài trên địa bàn TP.HCM và trực tuyến tại các điểm cầu: ĐSQ Việt Nam tại Hoa Kỳ, Doanh nhân Việt Nam ở các nước Úc – Nhật Bản – Đan Mạch – Hàn Quốc – Thụy Sĩ…

Bà Vũ Thị Huỳnh Mai – Chủ nhiệm Ủy ban người Việt Nam ở nước ngoài TP.HCM, phát biểu khai mạc toạ đàm

Bà Vũ Thị Huỳnh Mai – Chủ nhiệm Ủy ban người Việt Nam ở nước ngoài TP.HCM cho biết: Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TP.HCM và các cơ quan liên quan sẽ chủ động kết nối với các hiệp hội kiều bào của các nước để phát huy, khơi thông được nguồn lực kiều bào, tận dụng được nguồn nhân lực đi học tập ở nước ngoài hoặc đi xuất khẩu lao động trở về cống hiến cho đất nước. Để làm được điều này cần có giải pháp thu hút đầu tư thông qua các dự án đầu tư của TP.HCM.

Kế hoạch 2856 của UBND TP.HCM về triển khai thực hiện Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội, Chỉ thị số 27 của Thành ủy và Nghị quyết số 18 của Hội đồng nhân dân TP.HCM…Trong số đó có thể kể đến các đề án “Huy động người Việt Nam ở nước ngoài tham gia giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm và phát triển các kênh phân phối hàng Việt Nam ở nước ngoài”, đề án “Phát huy nguồn lực của người Việt Nam ở nước ngoài phục vụ phát triển đất nước trong tình hình mới”, đề án “Chính sách kiều hối trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2024 – 2030”, đề án “Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2023 – 2030”. Đặc biệt là đề án “Không gian Văn hóa Hồ Chí Minh – Điểm hẹn kiều bào” Ủy ban về người Việt Nam.

Bà Nguyễn Thúy Hồng – Phó đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ, phát biểu trực tuyến tại buổi toa đàm

Bà Nguyễn Thúy Hồng – Phó đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ chia sẻ: hiện nay đội ngũ trí thức và doanh nhân gốc Việt tại Mỹ phát triển mạnh cả về lượng và chất, với hơn 200.000 người, chiếm một nửa trong tổng số 400.000 trí thức Việt Nam ở nước ngoài. Có hơn 10.0000 chuyên gia, kỹ sư tin học cao cấp đang làm việc tại thung lũng Silicon. Tuy nhiên; hiện nay đã nổi lên một số điểm nghẹn như: cộng đồng người gốc Việt có nhiều tài năng nhưng cơ bản còn hoạt động riêng lẻ, việc thu hút nguồn lực chưa nhất quán – có lúc có nơi còn chậm hoặc thiếu sự linh hoạt, việc kết nối nguồn lực trí thức ở nước ngoài với các địa phương hiện nay chỉ tập trung trong lĩnh vực giáo dục tại đại học hoặc những vụ nghiên cứu lớn…

Tại tọa đàm, ông Trần Hải Linh – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân và Đầu tư Việt Nam tại Hàn Quốc cho biết: Hiệp hội sẽ tiếp tục hỗ trợ phát triển hợp tác kinh tế, xúc tiến đầu tư và xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao cho quá trình phát triển hợp tác TP.HCM với Hàn Quốc trong lĩnh vực công nghiệp mạch tích hợp bán dẫn, công nghệ thiết kế, chế tạo linh kiện, vi mạch điện tử tích hợp (IC), điện tử linh hoạt (PE)…

Bà Lê thị Mỹ Châu – TGĐ Revulotion Brewing, kiều bào VN tại Hoa Kỳ nêu lên 03 ý kiến: thứ nhất; cần phối hợp toàn diện để triển khai các chương trình xúc tiến thương mại và kết nối giữa doanh nghiệp và đông đảo người tiêu dùng, tổ chức chương trình kết nối giao thương, hội chợ, triển lãm hàng hóa, diễn đàn – hội thảo… để giới thiệu, quảng bá hàng hóa Việt Nam, kết nối người tiêu dùng và các doanh nghiệp. Thứ hai, Revolution Brewing từ nhiều năm nay đã xây dựng lộ trình thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại và kết nối doanh nghiệp, tham gia tiêu thụ sản phẩm với niềm tự hào là thương hiệu bia biển đảo duy nhất tại Việt Nam. Chúng tôi mong muốn, thông qua các kênh thông tin của kiều bào gần xa, được phối hợp với các tập đoàn phân phối bán buôn – bán lẻ lớn trên thế giới để đưa sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam phân phối trong các mạng lưới của hệ thống phân phối rộng khắp trên thị trường, góp phần thúc đẩy sự phát triển nền kinh tế nước nhà, nhanh chóng đến với người tiêu dùng khắp nơi hơn nữa. Thứ ba, là cần đẩy mạnh việc đưa sản phẩm hàng Việt Nam lên các sàn thương mại điện tử, kết nối, hỗ trợ các doanh nghiệp lên sàn thương mại điện tử, mở rộng thị trường tiêu thụ để góp phần đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa qua các kênh thương mại điện tử.

Ông Trần Bá Phúc – Chủ tịch Hội Doanh nhân Việt Nam tại Úc cho rằng: Úc là một quốc gia có cộng đồng người Việt Nam rất đông, theo thống kê gần nhất có trên 330 ngàn người có nơi sinh là Việt Nam của dân số Úc và là cộng đồng người VN lớn thứ ba ở nước ngoài. Úc cũng là quốc gia có nhiều du học sinh VN đến du học, khoảng 28 đến 29 ngàn du học sinh VN hàng năm. Hội Doanh nhân Việt Nam tại Úc của chúng tôi được thành lập từ đầu năm 2010, có trên 500 hội viên trong đó có khoảng trên 100 hội viên là các doanh nghiệp VN trong nước liên kết kinh doanh và XNK với thị trường tại Úc.  Ngày 17/05/2024, Chủ tịch UBND TP.HCM – Phan Văn Mãi và Đoàn công tác TP.HCM sẽ đến Melbourne để chủ trì “Hội nghị Xúc tiến Đầu tư và Du lịch giữa TP.HCM – Việt Nam và Bang Victoria – Úc”. Tôi được mời tham dự và phát biểu về đề tài “Tăng cường hổ trợ hợp tác đầu tư, giao thương giữa cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam tại Úc và tại TP.HCM”. Tiềm năng phát triển về đầu tư thương mại và du lịch giữa TP HCM và Bang Victoria, còn rất lớn và cộng đồng người Việt tại Úc có nguồn gốc từ TP. HCM rất đông, vì thế tôi tin rằng sự phát triển giữa 02 địa phương sẽ thành công tốt đẹp.

Ông Nguyễn Anh Thi – Trưởng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP.HCM, chia sẻ về các dự án

Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP.HCM đã có bài phát biểu tham luận liên quan đến các chính sách ưu tiên thu hút nhà đầu tư vào Khu Công nghệ cao TP.HCM Nghị quyết số 98/2023/QH15, ngày 24/06/2023 của Quốc hội “Về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM”, hướng đến đối tượng là người Việt Nam ở nước ngoài. Đây cũng chính cơ hội cho các trí thức trẻ là cộng người Việt nước ngoài có điều kiện khởi nghiệp đầu tư tại Việt Nam trong tương lai.

Bà Cấn Thanh Huyền –  Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Khởi nghiệp Việt Nam – Nhật Bản cho biết: hiện nay; có hơn 800 quỹ đầu tư Nhật Bản đang hoạt động tại Việt Nam, với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 60 tỷ USD. Các quỹ đầu tư Nhật Bản tiêu biểu đã đầu tư vào VN như : Japan Vietnam Investment Corporation (JVIC), Quỹ đầu tư Vision Fund của SoftBank, Quỹ đầu tư mạo hiểm Dream Incubator Inc (DI), CyberAgent Ventures Inc (CAV)…Số lượng quỹ đầu tư Nhật Bản tăng trưởng mạnh trong những năm gần đây, phản ánh sự quan tâm ngày càng lớn của các nhà đầu tư Nhật Bản đối với thị trường Việt Nam. Đặc thù của các quỹ đầu tư từ Nhật Bản là: các quỹ đầu tư Nhật Bản thường tập trung vào các lĩnh vực bất động sản, sản xuất, năng lượng, hạ tầng, bán lẻ, công nghệ, trí tuệ nhân tạo, robot, y tế…Một số quỹ đầu tư Nhật Bản còn đầu tư vào các công ty khởi nghiệp và các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) tại Việt Nam. Các quỹ đầu tư Nhật Bản được đánh giá cao về khả năng quản lý rủi ro, sự chuyên nghiệp và cam kết đầu tư lâu dài. Hiệp hội Doanh nhân Khởi nghiệp Việt Nam-Nhật Bản (E-Future) , với thế mạnh có các mạng lưới kết nối với nhiều đối tác uy tín tại Nhật Bản để hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản tiếp cận với các nguồn vốn và cơ hội đầu tư, với một số đối tác tiêu biểu của Hiệp hội. Để sự hợp tác, đầu tư vào TP.HCM tốt hơn, đề nghị chúng ta cần xây dựng các kênh liên lạc và hợp tác chặt chẽ hơn giữa các quỹ đầu tư và doanh nghiệp hai bên. Cần chú trọng đên việc tạo ra các cơ chế hỗ trợ để thúc đẩy sự kết nối và giao lưu, bao gồm các hội thảo, diễn đàn và chương trình đào tạo nhằm tăng cường hiểu biết lẫn nhau và xây dựng mối quan hệ hợp tác bền vững.

Ông Nguyễn Mạnh Đông – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài – Bộ Ngoại giao, cho biết: hiện nước ta đang có mạng lưới doanh nhân, trí thức kiều bào phát triển rất mạnh ở nước ngoài, tiềm lực lớn. Do đó, xây dựng cơ sở dữ liệu của doanh nhân, trí thức, kiều bào, để biết được thế mạnh của từng nhóm người, lĩnh vực cụ thể sẽ phát huy tốt nhất các đóng góp của đội ngũ này đối với sự phát triển đất nước.

Phát biểu kết luận tọa đàm, bà Vũ Thị Huỳnh Mai nêu ý kiến: chúng ta cần rà soát lại cơ chế, chính sách của TP.HCM trong vấn đề thu hút chuyên gia, doanh nghiệp, nhà khoa học về công tác tại TP.HCM. Trọng tâm nhất liên quan tới đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao, tận dụng nguồn nhân lực đào tạo từ các nước khi trở về để đóng góp cho công cuộc phát triển cho TP.HCM.

Thái Mậu