Home / Du lịch / Khám phá / Nguồn lực cốt lõi xây dựng thương hiệu du lịch hấp dẫn

Nguồn lực cốt lõi xây dựng thương hiệu du lịch hấp dẫn

Từ năm 2015 – 2019, các giá trị di sản đặc sắc của Non nước Cao Bằng đã được “đánh thức”. Tuy vậy, Cao Bằng vẫn chưa phát huy hết các giá trị di sản và đi sau về phát triển du lịch trong bối cảnh du lịch trong nước và quốc tế phát triển và cạnh tranh. Đây là cơ hội để Cao Bằng học hỏi kinh nghiệm song cũng đặt ra nhiều thách thức mà các cấp, ngành của tỉnh cần có các giải pháp vừa bảo tồn các giá trị di sản để thúc đẩy phát triển du lịch bền vững vừa xây dựng thương hiệu mạnh, thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế đến với Cao Bằng.

Non nước Cao Bằng là vùng đất cổ có bề dày lịch sử, văn hoá, đa dạng về giá trị di sản là thế mạnh để phát triển nhiều loại hình du lịch như: du lịch lịch sử văn hóa, du lịch thắng cảnh, du lịch cộng đồng, du lịch tâm linh, du lịch biên giới, du lịch trải nghiệm, khám phá… góp phần thúc đẩy du lịch Cao Bằng phát triển.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hạn chế trong phát triển du lịch, đòi hỏi Cao Bằng phải xây dựng chiến lược phát triển du lịch đồng bộ để xây dựng thương hiệu mạnh, có sức cạnh tranh. Theo Tiến sỹ Lương Ngân, Giám đốc quản lý Khoa cao học Marketing, London South Bank University, Cao Bằng tuy là tỉnh phát triển sau về du lịch nhưng có lợi thế riêng bởi miền Non nước Cao Bằng có rất nhiều giá trị di sản địa chất tầm cỡ quốc tế và văn hóa bản địa đa dạng, đắc sắc đang được bảo tồn và phát huy. Đây là cơ sở để tạo sức cạnh tranh du lịch mạnh và hấp dẫn với các tỉnh trong nước và quốc tế.

Cốt lõi nhất cho phát triển du lịch là phải xây dựng thương hiệu du lịch Cao Bằng. Vì vậy, điều quan trọng nhất là cần bảo tồn, phát huy tốt các giá trị di sản nguyên gốc, riêng có, như: Kiến trúc nhà sàn cổ, hàng rào xếp bằng đá, văn hóa ẩm thực ngon độc đáo, nhiều làng nghề truyền thống với các sản phẩm tinh xảo, trang phục dân tộc, các loại hình nghệ thuật dân ca, dân vũ…

Cần nhìn rõ những mặt còn yếu, hạn chế về các loại hình dịch vụ du lịch, như: Thiếu mô hình, điểm nhấn hay; sản phẩm dịch vụ du lịch chưa đa dạng, chưa có sản phẩm mới, độc đáo để tạo bước đột phá mới; cơ sở vật chất hạ tầng và hệ thống nhà nghỉ chưa đáp ứng; nguồn nhân lực còn thiếu, yếu; thông tin quảng bá hình ảnh về Cao Bằng chưa nhiều, đặc sắc trên các kênh truyền thông… Do đó chất lượng sản phẩm dịch vụ du lịch chưa cao, chưa thu hút được sự quan tâm của du khách, sức cạnh tranh kém, chưa xây dựng thương hiệu du lịch Cao Bằng…

Để từng bước khắc phục hạn chế, tiến tới xây dựng và quảng bá thương hiệu du lịch Cao Bằng, đồng chí Trương Thế Vinh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch cho biết: Tiếp tục thúc đẩy phát triển du lịch Cao Bằng trong bối cảnh cạnh tranh du lịch diễn ra sôi động, cần xác định xây dựng hình ảnh, thương hiệu du lịch Cao Bằng dựa trên tiềm năng là nền tảng các giá trị di sản địa chất, cảnh quan thiên nhiên, văn hóa lịch sử riêng có Non nước Cao Bằng, tạo nên ưu thế khác biệt để liên kết phát triển hợp tác du lịch. Ngành du lịch tỉnh tiếp tục triển khai Đề án cơ cấu lại ngành đáp ứng yêu cầu phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn; Đề án tổng thể khai thác, phát huy tiềm năng lợi thế về du lịch tỉnh Cao Bằng; Đề án tổng thể ứng dụng Công nghệ thông tin trong lĩnh vực du lịch giai đoạn 2018 – 2020, định hướng 2025; nghiên cứu tính khả thi, thực hiện xây dựng và thu hút đầu tư đối với các dự án xây dựng hạ tầng, phát triển du lịch; tăng cường tổ chức các hoạt động đối ngoại, hợp tác phát triển du lịch…

Để du lịch Cao Bằng vươn tới thu hút khách quốc tế nhiều hơn, thời gian tới Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch nghiên cứu triển khai Dự án “Phát triển chiến lược marketing bền vững cho ngành du lịch trong vùng Công viên địa chất (CVĐC) Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng” của Tiến sỹ Lương Ngân và Giáo sư, Tiến sỹ Clifford Shultz, Chuyên gia Trường Đại học Loyola Chicago, Hoa Kỳ. Dự án sẽ phân tích thực trạng sản phẩm và dịch vụ ngành du lịch trong vùng CVĐC Toàn cầu Non nước Cao Bằng. Đánh giá các đặc điểm và nhu cầu của thị trường về các sản phẩm và dịch vụ du lịch trong vùng CVĐC Toàn cầu Non nước Cao Bằng. Đề xuất các giải pháp cụ thể để phát triển các sản phẩm và dịch vụ du lịch nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường, nâng cao lợi thế cạnh tranh của ngành du lịch.

Tiếp tục đẩy mạnh phát triển du lịch bền vững thông qua mô hình du lịch CVĐC Toàn cầu, trong đó xây dựng 3 tuyến du lịch đặc sắc trong vùng CVĐC dựa trên phát huy tối đa các lợi thế về giá trị di sản địa chất, di sản văn hóa bản địa đặc sắc, độc đáo, nổi bật. Triển khai các sáng kiến phát triển du lịch cộng đồng với các làng nghề rèn, làm hương, làm ngói, chạm bạc, dệt thổ cẩm tại huyện Quảng Uyên, Trùng Khánh, Nguyên Bình; du lịch tâm linh tại các đền, chùa ở Thành phố, Hòa An, Trà Lĩnh, Trùng Khánh, Phục Hòa; du lịch khám phá các giá trị văn hóa truyền thống độc đáo: Hát then – đàn tính, Sli, Lượn, Dá Hai…

Các lễ hội độc đáo như: Lễ hội Pháo hoa, Lễ hội Thanh Minh (Quảng Uyên), Lễ hội Nàng Hai (Phục Hòa), Hội chọi bò ở Bảo Lâm, Hà Quảng… Nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu sản phẩm ẩm thực bản địa: bánh khảo, phở chua, phở vịt, lợn sữa quay, lạp sườn, thạch đen, thạch trắng, miến dong, chè Tiên, hạt dẻ Trùng Khánh, gạo nếp Ong, gạo nếp Pì Pất, thịt lợn đen, thịt bò Mông hun khói… Tạo điều kiện cho người dân địa phương tham gia làm du lịch để cải thiện sinh kế, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số.

Tuyên truyền, giáo dục về giá trị di sản CVĐC tại cộng đồng và trong trường học; xây dựng hệ thống giám sát và đánh giá định kỳ, kiểm tra các điểm di sản để kịp thời có phương án khắc phục, nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ các điểm di sản trong vùng CVĐC. Đẩy mạnh hoạt động marketing và xúc tiến quảng bá du lịch, nghiên cứu lựa chọn khẩu hiệu và biểu tượng du lịch (logo, slogan) độc đáo của tỉnh; tăng cường quảng cáo, tuyên truyền Non nước Cao Bằng trên báo chí, mạng xã hội; tổ chức hội chợ, hội nghị, hội thảo, sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch…

Theo báo Cao Bằng