Home / Kinh tế / Nông nghiệp / Kết nối để phát triển

Kết nối để phát triển

Nhằm giúp các hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh có cơ hội tìm kiếm và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, thời gian qua, Liên minh HTX tỉnh đã và đang đẩy mạnh các hoạt động kết nối giao thương, mở rộng xúc tiến thương mại để đưa các sản phẩm của địa phương đến gần với người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.

Một số sản phẩm của HTX như: Mì gạo Hùng Lô, Trà Đá Hen, rau sắn muối chua… được bán giới thiệu, bán Livestream vào 7/2023 tại “Chợ phiên OCOP- Về miền Đất Tổ” được tổ chức ở Hà Nội.

Mở rộng thị trường

Nhiều năm nay, HTX thịt chua Thanh Sơn luôn tích cực tham gia các chương trình hội chợ, xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh để làm quen với thị trường, tìm hiểu thị hiếu, sức mua của khách hàng, nhu cầu của các doanh nghiệp phân phối hàng hóa.

Ông Đinh Quốc Bình- Giám đốc HTX cho biết: “Hàng năm, HTX luôn tìm hiểu, lựa chọn tham gia các hoạt động hội chợ, xúc tiến thương mại tại các địa phương. Từ đầu năm đến nay, chúng tôi đã tham gia 14 hội chợ thương mại. Sau mỗi lần tham gia, mặt hàng của HTX có thêm nhiều người trong và ngoài tỉnh biết đến và đơn hàng cũng thế tăng lên”.

Hiện nay HTX thịt chua Thanh Sơn đã cho ra năm dòng sản phẩm là: Thịt chua hộp, ống nứa, cá thính, thịt thính, nem sợi. Nhờ mở rộng xúc tiến thương mại, trong chín tháng đầu năm, HTX đã bán ra 50 nghìn sản phẩm, doanh thu 1,5 tỷ đồng, đảm bảo lợi nhuận cho 10 thành viên và thu nhập cho 10 lao động tại địa phương. Trong đó một nửa tiêu thụ tại các tỉnh Hà Nội, Phú Thọ, Hà Nam, Vĩnh Phúc, Bắc Giang và TP Hồ Chí Minh…

Một trong những doanh nghiệp giữ được đà tăng trưởng ổn định, có chỗ đứng vững chắc trên thị trường, chị Phạm Thị Hạnh- Giám đốc HTX sản xuất chè an toàn Long Cốc chia sẻ: “Trước đây, chúng tôi chỉ bán cho thương lái nên giá cả không ổn định và hay bị ép giá. Hiện nay, nhờ đẩy mạnh kết nối giao thương trên sàn thương mại điện tử mà HTX có thêm nhiều khách hàng ở tỉnh ngoài đăng ký mua với số lượng lớn. Bán hàng trực tuyến là kênh tiêu thụ lớn, kết nối được đông khách hàng và có nhiều tiềm năng để phát triển, không chỉ giúp cho HTX mà còn nhiều hội viên nông dân ở địa phương mở rộng thị trường. Thời gian tới, chúng tôi mong muốn tiếp tục được tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, hỗ trợ xây dựng điểm bán hàng OCOP…”.

Hết năm 2023, HTX dự kiến sẽ đưa ra thị trường khoảng 15 tấn chè các loại: Chè đinh Bát Tiên, Chè đinh đặc sản, Chè xanh Bát Tiên và San tuyết Long Cốc với doanh thu ước khoảng hai tỷ đồng, lợi nhuận 20%.

 

HTX thịt chua Thanh Sơn giới thiệu món ăn và cách ăn thịt chua cho du khách tại Hội chợ Hùng Vương- lễ hội Đền Hùng năm 2023.

Thời gian qua, hoạt động kết nối giao thương, xúc tiến thương mại mở rộng thị trường cho các sản phẩm HTX luôn được Liên minh HTX tỉnh chú trọng. Từ đầu năm đến nay, Liên minh tỉnh đã thực hiện hỗ trợ 40 HTX giới thiệu, quảng bá sản phẩm rộng rãi trên các phương tiện truyền thông, giới thiệu kết nối hợp tác xã đưa sản phẩm tham gia các sàn giao dịch thương mại điện tử; đồng thời kết nối nhiều HTX với các siêu thị, cửa hàng tiện lợi trên địa bàn thành phố Việt Trì để tiêu thụ sản phẩm như Siêu thị Coop Mart, điểm bán sản phẩm OCOP của Sở Công thương, siêu thị GO! (BigC cũ); giới thiệu, quảng bá và kết nối đưa sản phẩm của HTX tham gia các sàn giao dịch thương mại điện tử và tại Hội nghị giới thiệu quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm hàng hóa tại hội chợ xúc tiến thương mại tại Hà Nội, Vĩnh Phúc, Đồng Nai… Hàng trăm sản phẩm của các HTX tham gia hội chợ, gian hàng trưng bày, bày bán tại hệ thống siêu thị đều là những sản phẩm đạt tiêu chuẩn về chất lượng, có thương hiệu và sản xuất tại tỉnh.

Đặc biệt, với vai trò cầu nối giữa người sản xuất và tiêu dùng, Liên minh HTX tỉnh đã tích cực hỗ trợ, hướng dẫn các hợp tác xã đưa các sản phẩm lên sàn thương mại điện tử của tỉnh (giaothuong.net.vn) với 303 gian hàng gồm 946 sản phẩm và đã có trên 5,5 triệu lượt người truy cập. Trong đó, nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ, nông, lâm, thủy sản, thực phẩm chế biến, đồ uống của các HTX đã có lượt khách hàng tiếp cận cao.

Thông qua các hoạt động kết nối giao thương, xúc tiến thương mại, các HTX trên địa bàn tỉnh cũng đã được gặp gỡ trao đổi thông tin trong quá trình sản xuất, chế biến cũng như thúc đẩy giao thương hàng hóa, tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường tiêu thụ. Nhiều sản phẩm là thế mạnh, đặc sản của tỉnh và các địa phương, đã được quảng bá rộng rãi, từng bước thâm nhập vào các kênh phân phối hiện đại và thị trường các tỉnh, thành phố lớn trong cả nước, được người tiêu dùng ưa chuộng như: Mì gạo, chè xanh, thịt chua…

Hỗ trợ, thúc đẩy kết nối cung – cầu

Nhờ đẩy mạnh các hoạt động kết nối giao thương, mở rộng xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh đã giúp các hợp tác xã phát huy hiệu quả, nhiều HTX mở rộng sản xuất, kinh doanh và thành lập mới. Toàn tỉnh hiện có 698 HTX, trong đó 558 HTX đang hoạt động chiếm 79,9%.

Trong năm, có 36 HTX thành lập mới. 63% HTX hoạt động khá, tốt. Khu vực HTX đã thu hút 104.638 thành viên tham gia, tạo việc làm thường xuyên cho 6.300 lao động. Doanh thu bình quân các HTX ước đạt 2.475 triệu đồng/năm; lợi nhuận bình quân các HTX ước đạt 180 triệu đồng; thu nhập bình quân người lao động thường xuyên trong HTX ước đạt 4,2 triệu đồng/người/tháng…

Hoạt động của các HTX cơ bản ổn định; một số HTX đã chú trọng hơn đến công tác điều hành, quản lý; chủ động xây dựng phương án sản xuất kinh doanh, mở rộng cung ứng nhiều dịch vụ, đa dạng hóa ngành nghề, áp dụng tiến bộ kỹ thuật, đưa cơ giới hóa vào sản xuất, tổ chức dịch vụ từ đầu vào đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm.

Khách hàng tìm hiểu sản phẩm của Hợp tác xã sản xuất chè an toàn Long Cốc.

Nhiều HTX đã đẩy mạnh sản xuất, liên kết chuỗi để tăng sản lượng, năng suất, giảm chi phí đầu vào. Các HTX đã bắt nhịp với xu thế thị trường, không ngừng đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động trở thành điểm tựa vững chắc trong kinh tế hộ, thúc đẩy phát triển sản xuất góp phần nâng cao thu nhập đời sống cho thành viên và người lao động.

Trong đó, các HTX nông nghiệp đã quan tâm đến liên kết tiêu thụ sản phẩm và hướng đến phát triển các sản phẩm chủ lực thế mạnh của địa phương. Nhiều HTX đã thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi có giá trị kinh tế cao, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao tổ chức quản lý, đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng nhãn hiệu, truy suất nguồn gốc, chủ động tìm kiếm thị trường xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm. Một số HTX có mô hình hợp tác xã hoạt động hiệu quả đã khẳng định vai trò quan trọng trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tích cực tham gia chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới…

Đồng chí Từ Anh Sơn- Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho biết: “Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục tham mưu cho tỉnh ban hành những cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển HTX phù hợp với tình hình thực tế; làm tốt công tác cung cấp thông tin thị trường, xúc tiến thương mại, hỗ trợ HTX tiêu thụ sản phẩm qua các sàn giao dịch điện tử, nhất là các sản phẩm tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm. Bên cạnh đó, khuyến khích các HTX tập trung nâng cao năng lực quản trị, điều hành; đổi mới tư duy, dám nghĩ, dám làm, phát triển các sản phẩm là thế mạnh của tỉnh để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh từ kinh tế tập thể”.

Dự kiến từ nay đến cuối năm, tỉnh tiếp tục hỗ trợ trên 30 lượt HTX tham gia quảng bá, giới thiệu sản phẩm tại các Hội chợ và chương trình xúc tiến thương mại, sự kiện chính trị-xã hội khác trong và ngoài tỉnh. Tăng cường các hoạt động thông tin tuyên truyền về kinh tế tập thể, hợp tác xã giới thiệu về các hợp tác xã, tổ hợp tác hoạt động hiệu quả, nhằm nhân rộng mô hình hợp tác xã điển hình tiên tiến, tuyên truyền về chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước và của tỉnh Phú Thọ về khuyến khích phát triển kinh tế tập thể, HTX. Cùng với đó sẽ lựa chọn 10 HTX tiêu biểu để nhân rộng mô hình HTX kiểu mới hiệu quả trên địa bàn tỉnh…

Nguồn: baophutho.vn