Tọa lạc ở độ cao 986m, quần thể công trình tâm linh trên đỉnh núi Bà Đen không chỉ có tượng Phật Bà Tây Bổ Đà Sơn, mà còn bao gồm nhiều không gian trải nghiệm mang đậm văn hóa Phật giáo có thể bạn chưa biết.
Quần thể tâm linh Núi Bà Đen trong đêm
Không gian xá lợi Phật Thích Ca Mâu Ni
Ngọn núi thiêng Bà Đen là một trong số nơi rất hiếm hoi tại Việt Nam có hồng phước được cung nghinh và lưu giữ ngọc xá lợi đức Phật. Đây là ngọc xá lợi của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni do Liên đoàn Phật giáo thế giới tại Bồ Đề Đạo Tràng Ấn Độ trao tặng vào năm 2014, với mong ước Phật giáo Việt Nam phát triển tốt đẹp, ngày càng thịnh vượng, hộ quốc an dân. Sau gần 10 năm lưu giữ tại chùa Thiên Hưng (Bình Định), Ngọc xá lợi đức Phật đã được chùa Thiên Hưng cúng dường về núi Bà, đỉnh núi thiêng của vùng Nam Bộ, như một lời nguyện cầu quốc thái dân an, vạn phước lành đến với chúng sanh.
Tại đỉnh Núi Bà, ngọc xá lợi của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni được an tọa trang trọng trong bảo tháp lưu ly hai tầng, giữa không gian xá lợi tôn nghiêm, tại trung tâm triển lãm Phật giáo dưới chân tượng Phật Bà Tây Bổ Đà Sơn.
Xá lợi phật
Theo văn hoá Phật giáo, đức Phật là bậc đại giác, bậc xuất thế cứu độ chúng sanh, nên xá lợi của ngài sẽ đem đến hạnh phúc, an lạc. Chiêm bái xá lợi Phật, cũng như thấy đức Phật còn ở trần thế, để chuyển hóa những khổ đau thành hạnh phúc. Có xá lợi Phật là có nơi để cứu vớt, giải tỏa nỗi thống khổ của chúng sinh và tìm kiếm an lạc thực sự – đó chính là sự màu nhiệm thiết thực nhất.
Với các Phật tử, chiêm bái xá lợi Phật là việc đem lại công đức vô lượng. Bởi thế nên rất nhiều người mong được tới Núi Bà để được tận thấy xá lợi đức Phật, thành tâm chiêm bái đảnh lễ cầu mong bình an phước lộc, nhất là khi Lễ vía Linh Sơn Thánh Mẫu đang tới gần, và nghi lễ năm nay được hệ thống các chùa núi Bà tổ chức trang trọng, tôn nghiêm trong 3 ngày từ 21/6- 23/6 (nhằm ngày 4-6/5 âm lịch).
Cụm trụ kinh Bát Nhã khắc chữ vàng
Tượng Phật Bà Tây Bổ Đà Sơn là trung tâm của cụm công trình tâm linh trên đỉnh núi, đứng uy nghiêm trên đài sen giữa đỉnh thiêng huyền thoại. Dưới chân Tượng Phật Bà là khối đế cao 4 tầng mang lối kiến trúc đồng tâm, với mỗi tầng sẽ đưa du khách vào thế giới Phật giáo bằng các ứng dụng công nghệ hàng đầu thế giới.
Ở tầng thấp nhất dưới chân đại tượng Phật Bà là khu giảng pháp đường. Đây cũng là không gian kỳ ảo của cụm cột kinh khắc Bát Nhã tâm kinh, với 5 trụ kinh bằng đá granite đen kim sa, điêu khắc 12.000 chữ kinh Tây Tạng được dát vàng.
Cụm trụ kinh Bát Nhã
Đặc biệt, trụ kinh lớn nhất có đường kính 2m và cao 19,8m vươn từ dưới lòng đất lên trung tâm đĩa nước giữa quảng trường rộng lớn dưới chân đại tượng Phật. Đĩa nước này cùng với không gian quảng trường rộng lớn dưới chân tượng Phật Bà là nơi thường xuyên diễn ra các nghi lễ dâng đăng thiêng liêng và nhiệm màu tại đỉnh núi Bà Đen vào các dịp đặc biệt.
Trung tâm triển lãm Phật giáo và không gian phim 3D mapping về sự hình thành vũ trụ
Khu vực tầng 1 dưới chân tượng Phật Bà Tây Bổ Đà Sơn là trung tâm triển lãm Phật giáo trưng bày 163 bức tượng Phật, với bức tượng Phật Bà nghìn mắt nghìn tay đặt trang trọng ở vị trí trung tâm.
Không gian phim 3D mapping
Hành lang tầng 1 cũng là nơi trưng bày các bức tranh sơn dầu, phù điêu gỗ và các pho tượng Phật bằng nhiều chất liệu như đồng mạ vàng, gỗ phủ sơn… Đặc biệt, mái vòm của khu vực này là một màn chiếu phim khổng lồ với đường kính 20 mét và độ phân giải Dome lên tới 16 triệu pixel, tái hiện đầy sinh động hình ảnh và sự vận động của vũ trụ. Đây là công nghệ chiếu phim video mapping với các thiết bị trình chiếu, âm thanh hiện đại hàng đầu thế giới, mang đến một trải nghiệm khám phá thế giới Phật giáo vô cùng mới lạ dành cho du khách đến chiêm bái núi Bà.
Khu trình chiếu mô hình chùa cổ bằng công nghệ Hologram
Tại tầng 2 của Trung tâm triển lãm Phật giáo trên đỉnh núi Bà Đen, du khách có cơ hội khám phá và chiêm ngưỡng các ngôi chùa cổ tại Việt Nam thông qua công nghệ 3D hologram – công nghệ tạo ra một ảnh ba chiều lơ lửng trong không khí, giúp người xem quan sát hình ảnh nổi 360 độ mà không cần sử dụng màn chiếu hay kính đeo chuyên dụng.
Công nghệ 3D Hologram đưa du khách chiêm ngưỡng mô hình 16 ngôi chùa nổi tiếng tại Việt Nam
Tại đây có 16 thiết bị trình chiếu Hologram hiện đại, đưa du khách vào hành trình chiêm ngưỡng mô hình 16 ngôi chùa nổi tiếng tại Việt Nam như: chùa Bổ Đà, chùa Vĩnh Nghiêm, chùa Phật Tích, chùa Hương, chùa Bút Tháp, chùa Thiên Mụ… Các ngôi chùa đều có niên đại từ 200 năm và là nơi lưu giữ lối kiến trúc cổ, các hiện vật cổ giá trị, có khuôn viên đẹp và nổi tiếng.
Cũng ngay tại không gian tầng 2, du khách còn có thể tham quan gian phòng đặc biệt dành cho các trụ Kinh Luân (bánh xe cầu nguyện) – một loại pháp khí được các tín đồ Phật giáo Tây Tạng sử dụng cho việc hành trì tụng niệm. Nhiều người tin rằng, bánh xe Kinh Luân có thể quay như một cách tạo công đức vô lượng một cách đơn giản nhất, chỉ cần chạm vào bánh xe cầu nguyện đã là một sự tịnh hóa to lớn trong việc xóa bỏ nghiệp chướng.
Không gian trưng bày những tác phẩm nghệ thuật Phật Giáo kinh điển
Tầng 3 của trung tâm triển lãm dưới chân Tượng Phật Bà là không gian trưng bày hàng trăm phiên bản mô phỏng những tác phẩm nghệ thuật Phật giáo kinh điển, trong đó có nhiều pho tượng Phật đặc biệt nổi tiếng của Việt Nam và Thế giới. Tại đây, du khách cũng sẽ được chiêm ngưỡng những cổ vật trong kiến trúc Phật giáo bằng gỗ, đá có niên đại từ thế kỷ XI đến thế kỷ XIII.
Tượng Phật Bà nghìn tay
Trong số các cổ vật, không thể không kể đến Bảo vật quốc gia – Tượng Phật A Di Đà chùa Phật Tích (Bắc Ninh). Pho tượng này cho đến nay vẫn luôn được xem là đỉnh cao của nghệ thuật điêu khắc, nghệ thuật tôn giáo thời Lý. Pho tượng Phật A Di Đà được tạo tác bằng đá, với tạo hình vai rộng, thân dỏng, thế ngồi hơi rướn mình ra phía trước, toát lên một vẻ đẹp đầy viên mãn và huyền bí.
Với nhiều di sản văn hóa Phật giáo kinh điển cùng những ứng dụng công nghệ tiên tiến hàng đầu thế giới, hệ thống các công trình tâm linh trên đỉnh núi Bà Đen đã giúp Phật tử và du khách khám phá thế giới Phật giáo một cách mới mẻ.