Để phục hồi kinh tế trong bối cảnh hiện nay và sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, UBND tỉnh Khánh Hòa đã kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, giải quyết một số vấn đề nhằm mở ra cơ hội thu hút đầu tư phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh trong thời gian tới.
Nhiều tập đoàn lớn quan tâm
Năm 2021, toàn tỉnh thu hút được 22 dự án đầu tư mới với tổng vốn đăng ký 5.844 tỷ đồng, trong đó có 5 dự án mới vào Khu Kinh tế (KKT) Vân Phong, 1 dự án mới vào Khu Công nghiệp (KCN) Ninh Thủy và 1 dự án mới vào KCN Suối Dầu với tổng vốn đăng ký hơn 1.321 tỷ đồng… 4 tháng đầu năm 2022, toàn tỉnh thu hút được 5 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký 436 tỷ đồng. Ngoài ra, còn 1 dự án đầu tư vào hạ tầng KCN có tổng vốn 1.800 tỷ đồng đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư.
Vân Phong sẽ là khu vực ưu tiên thu hút đầu tư.
Mặc dù kết quả thu hút đầu tư chưa như mong đợi, nhưng hiện nay, có nhiều tập đoàn quan tâm, tìm hiểu môi trường đầu tư và đề xuất các dự án trên địa bàn tỉnh. Cụ thể như: Tập đoàn General Electric Việt Nam đã làm việc với tỉnh để tìm cơ hội đầu tư; Công ty TNHH McKinsey & Company Việt Nam cùng Tập đoàn FPT đã ký kết thỏa thuận lập quy hoạch tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2021 -2030, tầm nhìn đến năm 2050. Các tập đoàn lớn như: T&T, Vingroup, Sungroup, IIPG, Hòa Phát… đã chính thức đặt vấn đề đầu tư vào các lĩnh vực như: KCN, bất động sản, thương mại, du lịch.
Thời gian qua, tỉnh tập trung thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào các ngành, dự án có tính lan tỏa lớn, tập trung phát triển ngành công nghiệp, thu hút đầu tư vào KKT Vân Phong. Môi trường đầu tư của Khánh Hòa cũng dần cải thiện, lấy lại niềm tin của các nhà đầu tư.
Ngày 28-1-2022, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TW về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết đặt mục tiêu phấn đấu xây dựng tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030 là thành phố trực thuộc Trung ương trên cơ sở phát huy cao độ tiềm năng và lợi thế về biển, là đô thị thông minh, bền vững, bản sắc và kết nối quốc tế. Đồng thời, Khánh Hòa sẽ trở thành một cực tăng trưởng trung tâm của khu vực duyên hải Nam Trung Bộ – Tây Nguyên và cả nước về kinh tế biển, công nghiệp công nghệ cao, khoa học và công nghệ… Đây chính là cơ hội lớn để Khánh Hòa thu hút đầu tư. Tỉnh đang đề xuất Trung ương xây dựng thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh; khẩn trương lập và điều chỉnh quy hoạch chung để làm cơ sở định hướng thu hút đầu tư trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Tấn Tuân – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, nhằm phục hồi kinh tế trong bối cảnh hiện nay và sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, UBND tỉnh đã kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục quan tâm hỗ trợ Khánh Hòa trong việc xây dựng, đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh; hỗ trợ tỉnh trong quá trình triển khai và lập đồ án quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; điều chỉnh các quy hoạch chung KKT Vân Phong, TP. Nha Trang đến năm 2040 và lập quy hoạch chung đô thị mới tại huyện Cam Lâm để làm cơ sở thu hút các nguồn lực phát triển. UBND tỉnh cũng kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét bổ sung quy hoạch các dự án điện khí, kho cảng đầu mối LNG (khí hóa lỏng) có quy mô lớn tại khu vực phía nam KKT Vân Phong, tạo động lực phát triển cho KKT Vân Phong nói riêng và tỉnh Khánh Hòa nói chung nhằm có cơ sở thu hút đầu tư phát triển KKT đúng định hướng quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Được biết, trong chương trình xúc tiến đầu tư giai đoạn 2021-2025, UBND tỉnh sẽ tập trung thu hút đầu tư phát triển 3 vùng kinh tế trọng điểm: vịnh Vân Phong, TP. Nha Trang và vịnh Cam Ranh; ưu tiên xây dựng KKT Vân Phong trở thành KKT ven biển với tính chất tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực, phát triển thành vùng kinh tế động lực của tỉnh và khu vực Nam Trung Bộ. Tỉnh cũng tiếp tục thực hiện mục tiêu ưu tiên thu hút đầu tư vào các dự án công nghiệp lớn, quan trọng, có động lực phát triển như: KCN Ninh Hải, KCN Dốc Đá Trắng, KCN Ninh Tịnh, KCN Vạn Thắng, KCN Nam Cam Ranh…
Từ năm 2021 đến 2025, tỉnh đặt mục tiêu thu hút vốn đăng ký đầu tư mới tối thiểu đạt 250.000 tỷ đồng, trong đó KKT Vân Phong tối thiểu đạt 150.000 tỷ đồng và vốn giải ngân tối thiểu đạt 75.000 tỷ đồng.