Sáng ngày 29/12/2022; tại TP.HCM – Tập đoàn Cao su Việt Nam đã tổ chức hội nghị tổng kết công tác Đảng và hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2022. Đến ngày 31/12/2022; tổng diện tích vườn cây cao su các công ty thành viên Tập đoàn đang quản lý là 402.650 ha. Trong nước là 288.101, 31 ha, tại Campuchia khoảng 87.891 ha và lào là 26.657 ha. Nhận dịp này có 02 cá nhân đã nhận được Huân chương Lao động hạng Nhì, do Chủ tịch nước trao tặng là ông Trần Thanh Phụng – Phó TGĐ VRG và ông Lê Tiến Vượng – TGĐ Cao su Phú Riềng. Và 02 cá nhân được Huân chương Lao động hạng Ba là ông Hà Văn Khương – TV HĐQT VRG và ông Nguyễn Bá Hùng – TGĐ Cao su Nam Giang Quảng Nam.
Trong năm 2022, Đảng bộ VRG đã thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị trong bối cảnh đối mặt nhiều khó khăn thách thức. Nhờ sự lãnh đạo chỉ đạo của Đảng bộ VRG, sự thống nhất, đoàn kết của cả hệ thống chính trị, sự năng động, sáng tạo, linh hoạt trong công tác điều hành và quyết tâm của tập thể người lao động, tình hình sản xuất kinh doanh đạt kết quả tích cực. Nộp ngân sách Nhà nước 4.000 tỷ đồng (đạt 127%). Thu nhập bình quân ước đạt trên 7,7 triệu đồng/người/tháng (đạt 115,4%). Các chế độ, chính sách của người lao động được thực hiện đảm bảo và kịp thời.
Tình hình thực hiện sản xuất kinh doanh năm 2022, gặp nhiều khó khăn trong các lĩnh vự như: lĩnh vực công nghiệp cao su do nhu cầu sản phẩm găng tay y tế và giá bán đều giảm nên lợi nhuận thấp, sản phẩm gỗ thiếu nguyên liệu, giá nguyên nhiên liệu tăng nhưng giá bán năm 2022 giảm, các khu công nghiệp chưa hoàn tất được thủ tục để tăng quỹ đất cho thuê. Ngoài việc suy giảm giá trị đáng kể của đồng Kip Lào so với đồng VND đã làm ảnh hưởng đến kết quả sản xuất kinh doanh trong năm, do phải lập dự phòng tại các công ty thành viên đang đầu tư tại Lào.
Các cá nhân có thành tích xuất sắc được trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhì và Huân chương Lao động hạng Ba.
Kết quả ước thực hiện sản xuất kinh doanh năm 2022 như sau: sản lượng cao su khai thác đạt: 429.000 tấn, bằng 106,2% KH năm, so với cùng kỳ năm trước đạt 106%; tổng doanh thu hợp nhất: 28.600 tỷ đồng, bằng 101,1% KH năm27, so với cùng kỳ năm trước đạt 100%.Tổng lợi nhuận trước thuế hợp nhất: 5.200 tỷ đồng, bằng 106,1% KH năm. Nộp ngân sách Nhà nước: 4000 tỷ đồng, bằng 127% KH năm, so với cùng kỳ năm trước đạt 132,7%. Riêng Công ty Mẹ – Tập đoàn, tổng doanh thu 3.629 tỷ đồng, bằng 101,4% kế hoạch năm, tổng lợi nhuận trước thuế 1.500 tỷ đồng, bằng 124% kế hoạch năm.
Doanh thu các công ty cao su ước đạt 21.352 tỷ đồng, bằng 103% kế hoạch năm, chủ yếu nhờ vào việc gia tăng sản lượng. Nguồn thu từ khối các công ty cao su gặp khó khăn do diện tích cao su thu hoạch gỗ và việc chuyển giao đất cho địa phương theo quy hoạch thực hiện chậm. Sản lượng khai thác tăng nhưng giá bán giảm, khó tiêu thụ nên ảnh hưởng đến tăng trưởng tài chính.
Lĩnh vực chế biến gỗ; sản lượng gỗ các loại ước đạt 1.255.000 m3, doanh thu các công ty gỗ ước đạt 7.675 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế ước đạt 373 tỷ đồng. Hoạt động sản xuất kinh doanh phụ thuộc vào công suất thiết kế của nhà máy, lạm phát khiến giá nguyên nhiên liệu đầu vào tăng cao, nhu cầu tiêu thụ giảm mạnh … gây khó khăn cho hoạt động của các công ty gỗ.
Công nghiệp cao su: sản phẩm chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu là găng tay y tế tiêu thụ được khoảng 900 triệu chiếc, tương đương 41% kế hoạch năm, giá bán chỉ bằng 30% giá bán năm 2021, do nhu cầu của thị trường giảm. Các sản phẩm còn lại sản lượng đạt cao so với kế hoạch (bóng, nệm, gối cao su) nhưng không đủ bù đắp cho mức suy giảm của găng tay y tế, dẫn tới doanh thu và lợi nhuận giảm so với thực hiện của năm. Doanh thu các sản phẩm công nghiệp ước 1.253 tỷ đồng, bằng 78% kế hoạch năm.
Lĩnh vực hạ tầng khu công nghiệp: nhu cầu thị trường tăng, giá cho thuê tăng nhưng tất cả các dự án mở rộng đều vướng thủ tục và cơ chế, nên không có diện tích mới để cho thuê nên năm 2022 các khu công nghiệp thuộc Tập đoàn chỉ cho thuê mới được 28 ha, bằng 11,8% kế hoạch năm và bằng 72,4% cùng kỳ năm 2021, nguồn thu chủ yếu đến từ thu phí dịch vụ, lãi tiền gửi, phân bổ doanh thu dài hạn đã thu từ các năm trước… Doanh thu các khu công nghiệp năm 2022 ước khoảng 2.138 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch.
Dự kiến đến hết ngày 31/12/2022; toàn Tập đoàn khai thác được 429.000 tấn mủ cao su, đạt 106,2% kế hoạch năm 2022 (vượt 25.001 tấn), nhiều hơn 26.083 tấn (tương ứng với tăng 6%) so với sản lượng khai thác cùng kỳ năm 2021. Năng suất bình quân vườn cây toàn Tập đoàn năm 2022 ước đạt 1,58 tấn/ha (trong nước 1,60 tấn/ha, ngoài nước 1,53 tấn/ha). Khu vực Đông Nam Bộ đạt năng suất bình quân 1,86 tấn/ha, mức cao nhất từ trước đến nay.
Toàn Tập đoàn hiện có 58 nhà máy chế biến mủ cao su với tổng công suất thiết kế là 612.400 tấn/năm. Công suất dự kiến đầu tư mới đưa vào hoạt động trong năm 2022 – 2023 là 659.400 tấn/năm (tăng thêm 47.000 tấn/năm). Ước sản lượng chế biến năm 2022 của Tập đoàn là 486.750 tấn mủ cao su các loại, vượt 3,2% so với kế hoạch năm. So với sản lượng chế biến cùng kỳ năm 2021 nhiều hơn 6.915 tấn (hay tăng 1,4%), tương ứng với sản lượng khai thác tăng.
Phát biểu kết luận hội nghị, ông Trần Công Kha, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT VRG, nhấn mạnh cả Tập đoàn sẽ tiếp tục phát huy tinh thần Phú Riềng Đỏ, đoàn kết, nỗ lực, quyết tâm hăng say lao động sản xuất để thực hiện thắng lợi toàn diện nhiệm vụ năm 2023 và xây dựng Đảng bộ Tập đoàn trong sạch vững mạnh, góp phần tích cực vào sự phát triển chung của Tập đoàn, xây dựng ngành cao su phát triển bền vững.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2023 và những năm tiếp theo; Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam đã có một số kiến nghị với Chính phủ, các Bộ ngành và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp như:
Đối với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ ngành – Xem xét, sớm điều chỉnh Luật Đất đai để phù hợp với thực trạng quản lý đất đai hiện nay và tạo động lực để khai thác hiệu quả nguồn lực đất đai; trong đó xem xét đến việc Nhà nước công nhận giá trị của quyền sử dụng đất thuê trả tiền hàng năm khi xác định chi phí bồi thường, hỗ trợ thu hồi đất của doanh nghiệp….
Xem xét sớm điều chỉnh Luật số 69/2014/QH13 về “Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp” theo đề nghị của Bộ Tài chính; trong đó phân biệt khái niệm vốn nhà nước và tài sản của doanh nghiệp nhà nước, có đánh giá hiệu quả sử dụng vốn phù hợp đối với các dự án mang tính xã hội, hỗ trợ an sinh xã hội, an ninh quốc phòng ở vùng sâu vùng xa.
Các tập thể được trao tặng Cờ thi đua của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Chấp thuận xem gỗ cao su là sản phẩm chính của cây cao su theo Quy trình kỹ thuật cây cao su năm 2020, là hàng hóa như mủ cao su, được hạch toán là doanh thu từ sản xuất kinh doanh (thay vì là doanh thu khác như hiện nay).
Xem xét thống nhất chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng đất giai đoạn 2021 – 2030 của Tập đoàn để phát triển các khu công nghiệp, khu dân cư nông thôn, khu ký túc xá công nhân…phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phát triển cây trồng có hiệu quả cao hơn cây cao su để tăng hiệu quả sử dụng đất Tập đoàn đang quản lý, sử dụng, góp phần phát triển kinh tế xã hội địa phương.