BHYT là chính sách an sinh xã hội quan trọng hàng đầu mang ý nghĩa nhân đạo và có tính chia sẻ cộng đồng sâu sắc đã được Đảng, Nhà nước ta hết sức quan tâm, coi trọng. Thời gian qua, BHXH Quảng Ninh đã tập trung nhiều giải pháp, không ngừng mở rộng đối tượng tham gia, tiến tới mục tiêu bao phủ BHYT toàn dân trên địa bàn tỉnh.
Lễ ra quân hưởng ứng Tháng vận động triển khai BHXH toàn dân – Truyền thông vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình năm 2023.
Cuối năm 2021 ông Đặng Đình Quỳnh (64 tuổi, ở phường Bãi Cháy, TP Hạ Long) nhập viện trong tình trạng bị suy tim, suy đa tạng, viêm phổi, đái tháo đường tuýp 2, cùng hàng loạt chứng bệnh nặng khác. Sau thời gian 28 ngày điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, ông Quỳnh được quỹ BHYT hỗ trợ chi trả hơn 748 triệu đồng viện phí, bản thân ông chỉ phải thanh toán số tiền trên 11 triệu đồng.
Tương tự, trường hợp của ông Nguyễn Khắc Tình (73 tuổi, ở khu 4, phường Thanh Sơn, TP Uông Bí) điều trị tại Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí trong tình trạng bục tá tràng, sốc nhiễm khuẩn suy đa tạng, K dạ dày. Trong thời gian 15 ngày điều trị, sử dụng tất cả các thủ thuật chẩn đoán, vật tư y tế… ông Tình được quỹ BHYT chi trả 272,9 triệu đồng viện phí, cá nhân ông chỉ phải trả 14,3 triệu đồng.
Trên đây chỉ là 2 trong số hàng ngàn bệnh nhân trên địa bàn tỉnh có thẻ BHYT trong quá trình điều trị được quỹ BHYT chi trả, nhất là những trường hợp bệnh nhân có mức chi phí điều trị lớn. Điều này cho thấy BHYT đã trở thành “phao cứu sinh” mang lại cơ hội cho nhiều bệnh nhân chẳng may mắc bệnh hiểm nghèo.
Người dân có BHYT khám chữa bệnh tại Trạm y tế xã Đồng Sơn (TP Hạ Long)
Theo số liệu của BHXH tỉnh, đến hết tháng 5/2023, tổng số người tham gia BHYT trên địa bàn tỉnh là 1.269.432 người, tăng hơn 12.800 người so với cuối năm 2022, tỷ lệ bao phủ đạt 95,5% dân số. BHXH tỉnh đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để tăng cường, mở rộng đối tượng tham gia BHYT. Trong đó, phối hợp với các đơn vị, sở, ban, ngành tham mưu cho UBND tỉnh về các chính sách hỗ trợ đối tượng tham gia BHXH, BHYT.
Tiêu biểu như quyết định nâng mức hỗ trợ mua thẻ BHYT từ 30% lên 80% cho đối tượng hộ làm nông, lâm, ngư nghiệp có mức sống trung bình; nghị quyết về việc tiếp tục hỗ trợ 100% kinh phí mua thẻ BHYT cho 68.000 người thuộc đối tượng đồng bào DTTS đang sinh sống tại vùng có điều kiện KT-XH khó khăn đến hết năm 2025 từ nguồn ngân sách tỉnh. Đây là những chính sách đặc thù và có ý nghĩa to lớn, góp phần tăng diện bao phủ BHYT, cũng như tạo động lực cho người dân nỗ lực để vươn lên.
BHXH tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về BHXH, BHYT bằng nhiều hình thức đa dạng, phù hợp với đặc thù của từng nhóm đối tượng, không ngừng đổi mới toàn diện bằng việc ứng dụng hiệu quả CNTT, sử dụng công cụ truyền thông đa phương tiện, không gian mạng xã hội zalo, facebook, fanpage…
Bệnh nhân chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
Hằng năm, BHXH tỉnh tổ chức ký kết quy chế phối hợp với các sở, ban, ngành tổ chức dịch vụ thu để kết nối tuyên truyền đến các nhóm đối tượng tiềm năng, nhất là địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo chưa tham gia BHXH, BHYT; tổ chức các hoạt động cao điểm về tháng vận động BHXH toàn dân; ngày BHYT Việt Nam… Bên cạnh đó, BHXH tỉnh cũng tăng cường ứng dụng CNTT, chuyển đổi số, vận động cài đặt ứng dụng BHXH số trên điện thoại thông minh (VssID), đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính… nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người tham gia BHYT.
Việc sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VssID thay thế thẻ BHYT giấy đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc khám chữa bệnh. Hiện toàn tỉnh có trên 800.000 người có thẻ BHYT được đồng bộ với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; đã có gần 300.000 người sử dụng CCCD gắn chíp thay thế thẻ BHYT khi đi khám chữa bệnh. Toàn tỉnh có 219/221 cơ sở khám chữa bệnh BHYT có bệnh nhân đến khám bằng CCCD.
Nhờ tham gia BHYT, bà Đỗ Thị Bưởi (phường Đông Triều, TX Đông Triều) giảm được rất nhiều chi phí chạy thận nhân tạo.
Từ đầu năm 2023, người đăng ký tham gia, đóng BHXH tự nguyện, cấp thẻ BHYT có thể thực hiện trên Cổng dịch vụ công quốc gia và Dịch vụ công ngành BHXH. Điều này giúp người tham gia BHXH, BHYT tại nhà mà không phải trực tiếp đến các điểm thu hoặc đại lý BHXH, BHYT hay cơ quan BHXH để đăng ký tham gia.
Các cơ sở đăng ký khám chữa bệnh trong tỉnh cũng được thông tuyến từ cấp xã, phường đến tuyến huyện và tỉnh. Điều này tạo thuận lợi cho người tham gia BHYT được chuyển tuyến thụ hưởng đầy đủ chính sách BHYT; giúp giảm tối đa thời gian, thủ tục khi khám chữa bệnh BHYT.
Hiện nay, 100% cơ sở khám chữa bệnh BHYT đã thực hiện liên thông dữ liệu lên hệ thống thông tin giám định BHYT ngay khi người bệnh thanh toán ra viện. Hệ thống thông tin giám định BHYT giúp tăng cường biện pháp quản lý chi khám chữa bệnh BHYT; BHXH tỉnh kiểm soát tốt tần suất khám chữa bệnh của bệnh nhân có BHYT.